Nhiều trường đại học ở các tỉnh duy trì mức sàn 12-13 điểm cho 3 môn thuộc các tổ hợp xét tuyển, bao gồm cả điểm ưu tiên.
Năm 2019, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐH Nội vụ từ 12 đến 17. Mức sàn thấp dành cho các ngành đào tạo tại TP.HCM và Quảng Nam.
Tại cơ sở chính ở Hà Nội, mức sàn thấp nhất là 13, dành cho tổ hợp A10 và D01 của ngành Thông tin - Thư viện và chuyên ngành Chính sách công; D01, D15 ngành Lưu trữ học; A00, D01 ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước.
Trong khi đó, ngành Quản trị Văn phòng có điểm sàn cao nhất (17) cho tổ hợp C19, C20.
Phân hiệu ĐH Nội vụ ở Quảng Nam và TP.HCM lấy điểm sàn từ 12 đến 14:
ĐH Quảng Nam, tất cả các ngành có điểm sàn xét tuyển là 13 (trừ các ngành đào tạo sư phạm).
Đối với hệ cao đẳng, ĐH Quảng Nam nhận hồ sơ xét tuyển từ 11 điểm.
Tại phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận, ĐH Nông Lâm TP.HCM ấn định mức sàn nhận hồ sơ cho tất cả ngành học là 13 điểm. Nghĩa là mỗi môn chỉ cần nhỉnh hơn 4 điểm, thí sinh đã có sơ hội xét tuyển vào đại học.
Tương tự, 13 cũng là mức điểm nhận hồ sơ đối với các khối xét tuyển của ngành đào tạo của ĐH Xây dựng Miền Trung. Năm 2018, trường này thậm chí còn nhận hồ sơ xét tuyển từ 11 điểm.
Một trường đại học khác tại miền Trung cũng lấy mức sàn 13 điểm là ĐH Phú Yên. Ngoài các ngành đào tạo sư phạm có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 18 điểm (theo quy định của Bộ GD&ĐT), các ngành còn lại của trường đều nhận hồ sơ từ 13 điểm.
Không chỉ các đại học tại miền Trung, một số trường đại học tại miền Nam cũng có mức sàn thấp.
Theo phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia, ĐH Bạc Liêu nhận hồ sơ xét tuyển các ngành đào tạo hệ đại học chính quy từ 13 điểm trở lên, trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên. Riêng hai ngành Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, mức sàn là 12 điểm.
ĐH Cửu Long tuyển sinh 21 ngành, trong đó 19 ngành thuộc nhóm xã hội, kinh tế, tài chính, công nghệ, nông nghiệp có mức sàn 12,5. Hai ngành còn lại thuộc nhóm sức khoẻ (Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học) lấy sàn 18.
Nhỉnh hơn 0,5 điểm, ĐH Xây dựng Miền Tây lấy điểm sàn 13 cho 7 ngành: Kỹ thuật Xây dựng, Kiến trúc, Quản lý Đô thị và Công trình, Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông, Kỹ thuật Cấp thoát nước, Kỹ thuật Môi trường, Kế toán.
Năm 2019, trường tuyển 530 chỉ tiêu, trong đó Kỹ thuật Xây dựng chiếm 250 chỉ tiêu. Năm ngoái, điểm sàn tất cả ngành đào tạo đại học chính quy của trường cũng là 13.
Trong khi mặt bằng điểm thi THPT quốc gia 2019 cao hơn năm 2018, ĐH Đồng Tháp nhận hồ sơ các ngành ngoài sư phạm với mức điểm 13,5. Năm 2018, điểm sàn các ngành này là 14.
Năm 2019, ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An cũng lấy mức sàn 13 cho 4 ngành: Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Luật kinh tế, Quản trị Du lịch và Lữ hành. Năm 2018, các ngành này cũng có mức sàn 13 điểm. Các ngành còn lại lấy sàn 14-15 điểm.
Với việc nhiều trường đại học xác định mức sàn chỉ 4 điểm mỗi môn, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, nói đây là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trong bối cảnh điểm thi THPT quốc gia 2019 cao hơn so với năm 2018, nhiều trường vẫn duy trì mức sàn thấp với mục đích tận dụng nguồn tuyển. "Thường các đại học ở tỉnh, nguồn tuyển hạn hẹp, họ phải hạ mức sàn để có thí sinh vào học. Đây cũng là dấu hỏi với chất lượng đào tạo của các trường này. Chất lượng đầu vào thấp đòi hỏi phải có nhiều biện pháp để nâng chất lượng đầu ra. Liệu các trường này có làm được không?", ông Vinh đặt câu hỏi. Mặt khác, TS Vinh coi việc hạ điểm sàn quá thấp tức là chính các trường đang hạ thấp uy tín của mình, vì "của rẻ mấy khi là của ngon". |
Nguồn theo Báo điện tử Zing
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.