Dưới đây Tuyển sinh số xin giải đáp các thắc mắc liên quan tới việc tuyển thẳng vào Đại học tới thí sinh.
Thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia có được tuyển thẳng không?
Theo quy định của Bộ GD&ĐT
- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng vào ĐH theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi mà thí sinh đã đoạt giải.
- Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải khuyến khích trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, đã tốt nghiệp THPT, được xét tuyển thẳng vào CĐSP, TCSP theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi mà thí sinh đã đoạt giải.
- Thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, nếu chưa tốt nghiệp THPT được bảo lưu đến hết năm tốt nghiệp THPT.
Học sinh trường chuyên được tuyển thẳng không?
Thí sinh trường chuyên không được tuyển thẳng Đại học theo quy chế của Bộ BD&ĐT. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào phương án tuyển sinh của nhiều trường đại học. Vì thế, bạn nên xem thông tin tuyển sinh của trên website trường để biết chính xác nhất.
Chẳng hạn: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển thẳng học sinh hệ chuyên của các trường THTPT chuyên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và một số trường THPT chuyên được trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phân bổ chỉ tiêu xét tuyển thẳng trên cơ sở phê duyệt của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Xét tuyển thẳng có cần đăng ký dự thi THPT quốc gia nữa?
Các thí sinh xét tuyển thẳng vẫn phải đăng ký thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp. Ngoài ra, việc xét tuyển thẳng có số chỉ tiêu nhất định tùy từng trường, thí sinh nên đăng ký dự thi THPT quốc gia và dùng điểm thi xét tuyển Đại học để tránh trường hợp xét tuyển thẳng mà không đỗ.
Xét thẳng có phải điền vào Phiếu ĐKDT và xét tuyển ĐH?
Nếu đăng ký xét tuyển thẳng, bạn không điền nguyện vọng xét tuyển thẳng vào mục 21 trong phiếu ĐKDT và xét tuyển ĐH. Có mẫu phiếu đăng ký xét tuyển thẳng riêng.
Mục 21 trong phiếu ĐKDT và xét tuyển ĐH chỉ điền khi dùng điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH. Thí sinh tuyển thẳng khi muốn sử dụng điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển thì vẫn điền mục này như bình thường.
Mẫu phiếu đăng ký tuyển thẳng
TẢI MẪU PHIẾU ĐĂNG KÝ TUYỂN THẲNG TẠI ĐÂY
Có giới hạn số lượng hồ sơ tuyển thẳng?
Không có quy định nào về việc hạn chế số lượng hồ sơ tuyển thẳng. Vì thế, thí sinh có thể nộp nhiều hồ sơ đăng ký tuyển thẳng nếu muốn.
Thời gian xét tuyển thẳng
- Trước ngày 20/5, thí sinh gửi Hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về Sở GD-ĐT
- Trước ngày 1/6, Sở GD-ĐT gửi Hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đến các trường ĐH, CĐSP, TCSP
- Trước 17h ngày 18/7, các trường ĐH, CĐSP, TCSP tổ chức xét tuyển thẳng thí sinh theo quy định, cập nhật danh sách trúng tuyển vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và gửi kết quả xét tuyển thẳng cho các Sở GD-ĐT để thông báo cho thí sinh
- Trước ngày 23/7, thí sinh trúng tuyển thẳng gửi Hồ sơ và xác nhận nhập học tại các trường
Có được dùng cả quyền tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển?
Thí sinh có thể dùng cả quyền tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Các trường công bố công khai chỉ tiêu, tiêu chí, phạm vi ngành nghề, chương trình định hướng đào tạo để ưu tiên xét tuyển trong Đề án tuyển sinh của trường.
Thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia nếu không sử dụng quyền xét tuyển thẳng thì phải ĐKDT THPT quốc gia theo quy định. Kết quả thi phải phù hợp với tổ hợp các môn để xét tuyển và đáp ứng tiêu chí của trường. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký ưu tiên xét tuyển tại sở GDĐT trước ngày 20/5/2019.
Hồ sơ đăng ký ưu tiên xét tuyển gồm:
- Phiếu đăng ký ưu tiên xét tuyển. TẢI MẪU PHIẾU ĐĂNG KÝ ƯU TIÊN XÉT TUYỂN ĐH TẠI ĐÂY
- Giấy chứng nhận đoạt giải Kỳ thi chọn HSG quốc gia
Vừa đỗ tuyển thẳng vừa đỗ dựa trên điểm thi THPT quốc gia có được chọn trường để học?
Trong trường hợp này, thí sinh có thể lựa chọn việc học trường nộp hồ sơ tuyển thẳng hoặc trường đăng ký xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia. Thí sinh chọn trường nào nhớ xác nhận nhập học đúng thời gian quy định.
Hồ sơ tuyển thẳng gồm những gì?
1. Phiếu đăng ký tuyển thẳng
2. Ít nhất một trong các bản photocopy sau: chứng nhận là thành viên tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế hoặc chứng nhận là thành viên đội tuyển tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (có tên trong danh sách của Bộ GDĐT); Giấy chứng nhận đoạt giải Kỳ thi chọn HSG quốc gia; Giấy chứng nhận đoạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia và giấy chứng nhận các đối tượng ưu tiên tuyển thẳng khác;
3. Túi hồ sơ: Dùng phong bì cỡ A4 (tương tự hồ sơ ĐKDT THPT quốc gia hoặc hồ sơ nhập học khi học sinh trúng tuyển ĐH, CĐ)
4. Hai phong bì đã dán tem, ghi rõ tên tuổi, số điện thoại và địa chỉ liên lạc của thí sinh
5. Hai ảnh chân dung cỡ 4 x 6. Ảnh nên đựng trong một túi giấy nhỏ, mặt sau ghi rõ thông tin bản thân
Với trường hợp: Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), hồ sơ tuyển thẳng cần thêm: Bản sao học bạ 3 năm học THPT và Bản sao hợp lệ Hộ khẩu thường trú. Sau khi được xét trúng tuyển, thí sinh thuộc trường hợp này phải học bổ sung kiến thức 1 năm tại một trường dự bị đại học trước khi vào học chính thức.
Xem thêm: |
Suzy