CỔNG THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG LỚN NHẤT VIỆT NAM

Khẩn thiết đề nghị Phó thủ tướng xem xét lại việc thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán

Cập nhật: 04/11/2019 icon

GS Phùng Hồ Hải khẩn thiết đề nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét lại việc thi trắc nghiệm hoàn toàn môn toán và nhiều môn học trong kỳ thi THPT quốc gia, vì nó gây hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục.

Nhân việc mới đây đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh nêu lại vấn đề thi trắc nghiệm tại nghị trường, GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đã công bố trên trang cá nhân của mình toàn văn bức thư ông đã gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hồi tháng 7 năm ngoái, để góp ý về mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn môn toán và nhiều môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia.

GS Phùng Hồ Hải cho biết, đây là lá thư riêng ông gửi Phó thủ tướng (và đã được hồi âm là chuyển Bộ GD-ĐT xem xét), nên ông không định công khai nội dung bức thư.

Nhưng nay thấy con trai (đang học THPT - phóng viên) đang phải luyện thi trắc nghiệm, ông không an lòng. “Với trách nhiệm phụ huynh, tôi phải làm gì đó cho con mình”, GS Phùng Hồ Hải giải thích.

Mở đầu bức thư, GS Phùng Hồ Hải viết: “Tôi viết thư này gửi anh như một lời kêu cứu khẩn thiết của một nhà khoa học đối với tương lai của nền khoa học nước nhà. Trong vòng 2 năm qua, những lo lắng của tôi về mô hình thi trắc nghiệm đối với môn toán tại kỳ thi THPT ngày càng chất chứa. Những gì Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam khuyến cáo Bộ GD-ĐT vào cuối năm 2016 đã thành hiện thực. Hơn thế nữa, nhiều điều mà chúng tôi khi đó đã dự đoán nhưng vì sự cẩn trọng mà không dám tuyên bố cũng đã thành sự thực”.

Cũng trong phần mở đầu này, GS Phùng Hồ Hải đặt vấn đề: “Để phát triển lâu dài và bền vững thì chấn hưng giáo dục là yếu tố tiên quyết. Điều này tất nhiên anh hiểu hơn ai hết. Nhưng tôi rất buồn mà nói với anh rằng, mô hình thi trắc nghiệm một trăm phần trăm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với môn toán và một số môn khác là sai lầm, hết sức sai lầm và có hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục”.

“Việc dùng biện pháp trắc nghiệm để tránh quay cóp chỉ khiến cho người ta quay cóp một cách công khai, trắng trợn"

Điểm thật và điểm sửa các môn thi trắc nghiệm của một số thí sinh Hòa Bình, Sơn La kỳ thi THPT quốc gia 2018

Bức thư được GS Phùng Hồ Hải gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vào 19.7.2018. Đó là thời điểm Bộ GD-ĐT mới rà soát, xác minh xong điểm thi bất thường ở Hà Giang, thậm chí cơ quan điều tra còn chưa khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can nào ở địa phương này. Các vụ việc gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình chưa hề bị phát giác. Thế nhưng trong thư, GS Phùng Hồ Hải đã dự liệu: “Chắc chắn Hà Giang không phải là địa phương duy nhất xảy ra tiêu cực trong thi cử”.

Theo GS Phùng Hồ Hải, về mặt logic, sử dụng mô hình thi trắc nghiệm khách quan là phương thức có vẻ hợp lý hơn cả để thỏa mãn các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho kỳ thi THPT quốc gia là hiện đại hóa quy trình thi cử, giảm tiêu cực, giảm chi phí, giảm vất vả cho người dân, đồng thời đưa việc thi cử về cho địa phương quản lý.

Vấn đề là sai ở xuất phát điểm, khi mà mô hình này được áp dụng cho một kỳ thi mà tỷ lệ đỗ là hơn 90%, đồng thời, kết quả của nó lại được sử dụng để tuyển sinh vào đại học. Một kỳ thi mà gần như tất cả đều đỗ thì việc tổ chức là hoàn toàn không có ý nghĩa. Hơn nữa, với một kỳ thi như vậy, đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc là điều không thể thực hiện được.

“Việc dùng biện pháp trắc nghiệm để tránh quay cóp chỉ khiến cho người ta quay cóp một cách công khai, trắng trợn hơn mà thôi. Những vụ việc đã được phát giác tại Hà Giang là minh chứng cho điều này. Chắc chắn Hà Giang không phải là địa phương duy nhất xảy ra tiêu cực trong thi cử. Như vậy, khi dùng biện pháp chống tiêu cực một cách không thích hợp, vô tình chúng ta lại ép người ta phải tiêu cực mạnh hơn, và hệ lụy của nó không nằm ở trong mục tiêu đỗ tốt nghiệp nữa. Vì kỳ thi còn có mục tiêu thứ hai, là xét tuyển đại học”, GS Phùng Hồ Hải viết.

GS Phùng Hồ Hải cảnh báo nếu cứ áp dụng máy móc, thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị các mô hình nước ngoài vào Việt Nam thì chắc chắn dẫn tới thất bại. Khó khăn lớn nhất của thực tế Việt Nam là vấn đề con người" chứ không phải vấn đề cơ chế". Rất nhiều cơ chế rất hay ở nước ngoài có thể thất bại một cách ngớ ngẩn ở Việt Nam.

Đơn cử, trong ngành giáo dục, chúng ta đã thất bại với mô hình tuyển thẳng học sinh giỏi vào đại học", thất bại với phong trào nói không với tiêu cực", và đang thất bại với mô hình thi THPT quốc gia. Nó cho thấy những mô hình cơ chế được thực hiện ở các nước tiên tiến cứ đưa về ta là hỏng và gây hiệu quả nghiêm trọng.

Lý giải vì sao các mô hình ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực dịch vụ thì thành công nhưng đưa vào giáo dục thì thất bại, GS Phùng Hồ Hải viết: “Bản chất của các thành công này, trên nền của công nghệ, chỉ nằm ở hai chữ: công khai và có kiểm soát. Nhưng việc tổ chức kỳ thi THPT vừa qua, mặc dù sử dụng công nghệ, lại đi ngược với nguyên lý này. Toàn bộ quy trình xây dựng đề thi, tổ chức thi, coi thi, chấm thi đều không đáp ứng yếu tố công khai và có kiểm soát (mặc dù về hình thức thì có vẻ là có).

Và hệ quả của sự mất kiểm soát, trên nền công nghệ, là sự gian lận có thể thực hiện ở phạm vi chóng mặt. Thay vì sửa điểm cho một vài học sinh, người ta sửa cho hàng trăm và mức sửa thực sự là không có giới hạn. Có những bài thi được sửa tới hơn một ngàn phần trăm”.

Tạo tiền đề cho một nền giáo dục học chỉ để đối phó

Trong thư, GS Phùng Hồ Hải đưa ra những khó khăn đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài và rất kỹ lưỡng trong việc tổ chức thi trắc nghiệm đối với một kỳ thi trên diện rộng. Một đề thi trắc nghiệm tốt khi nó phù hợp được với số đông học sinh dự thi, theo nghĩa đánh giá, phân loại được học sinh ở mức độ chính xác nhất định.
Trong khi đó, theo GS Phùng Hồ Hải: “Với các đề thi toán khó như năm nay (2018 - phóng viên), đến những người có thể nói là siêu giỏi về giải toán sơ cấp cũng phàn nàn là không giải nổi, câu hỏi đặt ra là việc tổ chức ra đề đã đúng quy trình chưa? Tôi giám khẳng định là chưa. Rất mong anh chỉ đạo điều tra việc này một cách kỹ lưỡng. Chắc phải dùng tới Thanh tra Nhà nước, kết hợp với chuyên gia thì may ra mới làm rõ được”.

GS Phùng Hồ Hải nhấn mạnh, tác hại lớn nhất của kỳ thi liên quan tới mục tiêu thứ hai của nó, là xét tuyển vào đại học. Cho dù Chính phủ và Bộ GD-ĐT nói rằng đây không phải là mục tiêu của kỳ thi, thì thực tế kết quả của nó đang được các trường sử dụng để xét tuyển và việc tổ chức nó cũng đang được thực hiện chủ yếu nhằm mục đích này. Đây chính là lý do mà hai năm trước Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam đã kịch liệt phản đối chủ trương thi trắc nghiệm.

Theo GS Phùng Hồ Hải, riêng đối với môn toán, năng lực đầu vào của các sinh viên hiện nay đang ở mức báo động. Do đối phó với kiểu thi tốt nghiệp, các em hoàn toàn không được chuẩn bị các kiến thức toán học căn bản để có thể tiếp thu các kiến thức ở bậc đại học. Đó là chưa nói đến, do chất lượng đề thi mà người ta không chọn được đúng học sinh có năng lực. Ngoài ra, thời gian học đại học thì đang bị rút ngắn. Hệ quả là chúng ta sẽ phải cho ra trường những sinh viên không có mấy chữ trong bụng.

“Tôi đã từng chứng kiến nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành toán thuộc lòng các định lý toán như thuộc thơ, và cũng như thơ, các em nhớ nhầm vài chữ trong đó. Đó mới là điều đáng ngại nhất”, GS Phùng Hồ Hải nêu hiện tượng đáng cảnh báo.

Xin hãy lắng nghe…

Trong thư, GS Phùng Hồ Hải đã nhắc lại một số quan điểm mà Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam đã bày tỏ, sau khi biết Bộ GD-ĐT áp dụng mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn đối với môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia.

Theo đó, mô hình trắc nghiệm về cơ bản chỉ phù hợp với các kỳ thi dạng đánh giá năng lực, không phù hợp với các kỳ thi mang tính tuyển chọn. Thực tế ở Mỹ, mặc dù kỳ thi SAT được tổ chức hết sức chuyên nghiệp, cũng chỉ có một tỷ lệ các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào đại học, và họ cũng chỉ sử dụng kết quả này như một tiêu chí.

Việc tổ chức thi trắc nghiệm ngay trong năm 2016 là vội vàng, các kinh nghiệm dựa trên việc tổ chức thi trắc nghiệm ở Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng các kỳ thi trắc nghiệm ở đó chưa được tổng kết, đánh giá. Vì thế, đề nghị chưa áp dụng thi trắc nghiệm hoàn toàn môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia.

GS Phùng Hồ Hải bày tỏ bức xúc: “Riêng đối với môn toán, tôi khẳng định rằng không ai ngoài những nhà toán học, đang giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu, có đủ uy tín và thẩm quyền quyết định về mô hình thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu cần phải dạy toán như thế nào, phải kiểm tra những nội dung gì trong toán học. Nhưng mọi chuyện đều được quyết định bởi những người thiếu hiểu biết, không đáng là học trò của chúng tôi về lĩnh vực toán học ở Bộ GD-ĐT, không hề tham vấn các nhà toán học”.

GS Phùng Hồ Hải cũng chia sẻ: “Tôi viết thư này không nhằm mục đích chỉ trích. Tôi suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để có thể cải thiện tình hình. Và tôi thú thực là một mình tôi cũng không đưa ra được phương án cụ thể khả thi nào cho các anh để cứu vãn tình thế.

Thay vào đó, tôi nghĩ rằng Chính phủ cần tổ chức gấp các hội thảo để rút kinh nghiệm công tác thi cử và đưa ra các biện pháp cho năm tới. Tất nhiên, hội nghị hội thảo của chúng ta xưa nay không thiếu, vấn đề là những ai tham dự và ý kiến có được lắng nghe?

Tôi chỉ xin có một ý kiến. Đối với những vấn đề liên quan tới chuyên môn toán học, xin hãy lắng nghe những nhà toán học”.

Xem thêm: 

Nguồn theo Báo điện tử Thanh Niên

 

Tin tức liên quan

[THÔNG BÁO] trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn miễn 100% học phí năm 2024 09:49 14/07/2023 Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn công bố thông tin học phí, mã trường, điều kiện xét tuyển... Các ngành nghề phù hợp với nữ giới 15:15 25/02/2020 Trong vô số ngành nghề hiện nay, các bạn nữ có thể tham khảo ngành nghề dưới đây trước khi lựa... Lịch thi năng khiếu của các trường Đại học năm 2024 15:59 11/04/2024 Nhiều trường ĐH trên cả nước tổ chức thi năng khiếu riêng để tuyển sinh. Lịch thi năng khiếu của... Tóm tắt lý thuyết và công thức Vật lý lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 11:41 15/06/2021 Tuyển sinh số xin gửi tới các thí sinh công thức và lý thuyết ôn thi Vật lý tốt nghiệp THPT 2024... Thi lại 1 kỹ năng IELTS là sao? Ai có thể thi lại IELTS? 16:55 05/04/2024 Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho hai đơn vị tổ chức thi lại một kỹ năng IELTS tại Việt Nam. Vậy... Những ngành nghề khó bị Trí tuệ nhân tạo thay thế 12:10 08/04/2024 Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khiến nhiều bạn trẻ lo sợ... Các trường hợp được miễn thi tốt nghiệp THPT, đặc cách tốt nghiệp THPT 11:21 06/04/2024 Bộ GD&ĐT đã có quy định về các trường hợp được miễn thi tốt nghiệp THPT 2024. Theo đó, trong kỳ...

Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước. 

Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.

Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.

 
Hợp tác truyền thông
DMCA.com Protection Status
Giới thiệu | Bản quyền thông tin | Chính sách bảo mật