Năm 2025, nhiều kỳ thi riêng tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, nhiều trường đã đưa thông tin mới nhất, thí sinh cập nhật bằng bài viết dưới đây.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh và tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia. |
Lịch thi TSA năm 2025 cụ thể như sau:
Đợt thi | Lịch mở đăng ký | Lịch thi |
1 | 1-6/12/2024 | 18-19/1/2025 |
2 | 1-6/2/2025 | 8-9/3/2025 |
3 | 1-6/4/2025 | 26-27/4/2025 |
Ngoài 12 tỉnh, thành như năm qua là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, trường mở thêm điểm thi ở tỉnh Lào Cai để thí sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc thuận tiện hơn. Theo đó, kỳ thi có thể đáp ứng cho khoảng 75.000 lượt thi.
Về cấu trúc đề thi, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết giữ ổn định như năm qua, với ba phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút). Đây là ba phần thi độc lập, câu hỏi tập trung vào đánh giá năng lực tư duy của thí sinh, không kiểm tra trực diện kiến thức của môn học nào.
Hình thức thi TSA là trắc nghiệm trên máy tính. Tổng điểm là 100. Kết quả thi sẽ có giá trị trong hai năm để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (tùy trường).
Nhiều công nghệ khảo thí hiện đại đã được áp dụng cho kỳ thi như công nghệ xây dựng câu hỏi thi tư duy chuẩn hóa, lý thuyết cầu trong đề thi, công nghệ chấm thi theo mô hình IRT nhiều tham số, công nghệ check-in tự động theo thẻ CCCD có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để định danh thí sinh đến dự thi nhằm chống triệt để việc thi hộ và gian lận trong thi cử...
Kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được khoảng 40 trường đại học sử dụng để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học, thuộc các khối trường kỹ thuật, y dược, sư phạm, tài chính…
Năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội được tổ chức tại 4 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Nghệ An, Bình Định và Đà Nẵng. Trong khi đó, năm 2024 chỉ tổ chức tại 2 địa phương: Hà Nội và Bình Định.
Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 17-18/5/2025 (năm 2024 diễn ra trong 1 ngày). Như vậy, kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến sẽ được tổ chức sớm hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Các môn thi trong kỳ thi đánh giá năng lực 2025 sẽ không thay đổi, bao gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Địa lí, Lịch sử, Hóa, Sinh, Vật lí. Việc tăng thêm 1 ngày giúp thí sinh có thể lựa chọn nhiều môn thi trong tổ số các môn thi được tổ chức. Như vậy thí sinh có thể lựa chọn thi ít nhất 1 môn thi và nhiều nhất là 6 môn thi. Năm 2024 do chỉ tổ chức thi trong 1 ngày nên thí sinh chỉ được thi tối đa 5 môn thi.
Hiện có hơn 20 trường đại học dự kiến lấy kết quả kì thi SPT để tuyển sinh năm 2025 gồm:
Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đợt thi sớm nhất dự kiến vào ngày 15-16/3/2025 với quy mô 10.000 sinh viên. Thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi từ 8/2.
5 đợt thi sau diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5, mỗi đợt dự kiến 15.000 lượt. Số lượt thi có thể thay đổi, tùy theo tình hình đăng ký của thí sinh. Như năm nay, ban đầu Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến 75.000 lượt nhưng thực tế có hơn 100.600.
Về địa điểm, kỳ thi sẽ diễn ra tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng... Địa điểm thi từng đợt sẽ được công bố sau.
Đợt thi | Ngày thi | Số thí sinh |
501 | 15-16/3/2025 | 10.000 |
502 | 29-30/3/2025 | 15.000 |
503 | 12-13/4/2025 | 15.000 |
504 | 19-20/4/2025 | 15.000 |
505 | 10-11/5/2025 | 15.000 |
506 | 17-18/5/2025 | 15.000 |
Cấu trúc đề thi gồm ba phần: Toán học và Xử lý số liệu, Ngôn ngữ - Văn học, Khoa học. Cấu trúc này tương tự hiện tại, tuy nhiên phần Khoa học sẽ có nhiều lựa chọn, cách đặt câu hỏi cũng thay đổi.
Về hình thức, bài thi HSA năm 2025 được điều chỉnh chủ yếu ở phần khoa học và cách đặt câu hỏi. Sau khi hoàn thành hai phần thi đầu, phần thi thứ 3 thí sinh sẽ được lựa chọn 3 trong 5 chủ đề thuộc lĩnh vực lý, hóa, sinh, sử, địa để hoàn thành bài thi trong thời gian 195 phút (không kể thời gian bù thêm cho câu hỏi thử nghiệm).
Phần 1, toán học và xử lý số liệu (bắt buộc): Thí sinh được làm bài trong 75 phút gồm 50 câu hỏi (35 câu hỏi trắc nghiệm bốn lựa chọn, 15 câu hỏi điền đáp án) thuộc lĩnh vực đại số và một số yếu tố giải tích, hình học và đo lường, thống kê và xác suất.
Phần 2, ngôn ngữ - văn học (bắt buộc): Thí sinh được hoàn thành trong 60 phút gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm sử dụng ngữ liệu liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống như văn học, ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển của ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ, hành văn), văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý, nghệ thuật… Ngữ liệu được lựa chọn trong hoặc ngoài chương trình giáo dục phổ thông.
Phần 3, khoa học hoặc Tiếng Anh (tự chọn): Thí sinh lựa chọn thi Khoa học hoặc Tiếng Anh làm bài trong 60 phút, 50 câu hỏi.
- Phần thi Khoa học thí sinh chọn 3 trong tổng số 5 chủ đề: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Mỗi chủ đề có từ 16 đến 17 câu hỏi, trong đó có các câu hỏi đơn và từ 1 đến 2 chùm câu hỏi gồm 1 ngữ cảnh đi kèm 3 câu hỏi. Trong một lựa chọn, hai chủ đề thuộc cùng lĩnh vực (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội) có 17 câu hỏi/1 chủ đề, chủ đề còn lại có 16 câu hỏi. Các chủ đề thi về Vật lí, Hóa học, Sinh học có tối thiểu 01 câu hỏi điền đáp án/1 chủ đề.
- Phần thi Tiếng Anh gồm 50 câu hỏi câu hỏi trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn trong đó có 35 câu hỏi đơn và 3 chùm câu hỏi gồm 1 ngữ cảnh đi kèm 5 câu hỏi về từ vựng, ngữ pháp, diễn đạt trong văn bản viết, đọc hiểu văn bản, tình huống…
Từ năm 2025, cấu trúc bài thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM được điều chỉnh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. ĐH Quốc gia TPHCM sẽ giữ cấu trúc phần Sử dụng ngôn ngữ và Toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.
Phần Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần Tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
Các câu hỏi trong phần Tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.
Đề thi ĐGNL từ năm 2025 vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy. Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi. Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi.
Điểm thi được quy đổi theo từng phần. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa từng thành phần của bài thi được thể hiện trên phiếu điểm gồm: Tiếng Việt là 300 điểm, Tiếng Anh là 300 điểm; Toán học là 300 điểm và Tư duy khoa học là 300 điểm.
Trong năm 2025, ĐH Quốc gia TPHCM tiếp tục tổ chức thi Đánh giá năng lực với hai đợt thi dự kiến vào ngày 30/3 và ngày 01/6 tại 25 tỉnh/thành phố tương tự năm 2024.
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh THPT tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó cùng với các môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn môn học tự chọn. Chương trình bậc trung học phổ thông cũng có thêm một số môn học mới.
Trước sự đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông, lãnh đạo Bộ Công an đã phê duyệt Dạng thức đề thi Kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2025, đảm bảo phù hợp với chương trình học thực tế của học sinh. Đề thi này vừa kết hợp nội dung kiến thức của môn học bắt buộc và các môn học tự chọn, đảm bảo các thí sinh linh động trong việc lựa chọn bài thi của mình.
1. Số lượng bài thi: Trong năm 2025, Kỳ thi đánh giá của Bộ Công an gồm 01 bài thi
2. Thời gian làm bài: Tổng thời gian 180 phút
3. Điểm tốt đa cho bài thi là 100 điểm
4. Bài thi này sẽ gồm 03 phần là Tự luận bắt buộc, Trắc nghiệm bắt buộc và Trắc nghiệm tự chọn.
+ Phần thi thứ nhất là Tự luận bắt buộc, phần thi này sẽ bao gồm 1 câu hỏi nghị luận xã hội với tổng điểm tối đa là 25 điểm
+ Phần trắc nghiệm bắt buộc sẽ gồm các môn thí sinh bắt buộc học trong chương trình phổ thông, cụ thể như môn Toán, gồm 35 câu, tối đa 35 điểm. Môn Lịch sử gồm 10 câu với tổng điểm tối đa là 10. Môn Ngoại ngữ gồm 20 câu hỏi, tối đa là 15 điểm
+ Phần trắc nghiệm tự chọn, bao gồm các môn học các em thí sinh tự chọn gồm 15 câu hỏi, tối đa 15 điểm
Trong phần thi Trắc nghiệm tự chọn, thí sinh lựa chọn một trong các môn học tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông là môn Vật lí (CA1), Hóa học (CA2), Sinh học (CA3), Địa lí (CA4) để hoàn thành bài thi của mình.
Đối với các em thí sinh học lớp 12, đang chuẩn bị tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học 2025 có nguyện vọng dự thi vào CAND, đề thi của Bộ Công an sẽ bám sát nội dung chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và đào tạo. Do đó, các em có thể chủ động ôn tập theo nội dung chương trình các em đã học. Có khoảng 70% kiến thức của lớp 12 sẽ có trong đề thi và 30% còn lại lấy từ chương trình lớp 10, 11.
Hiện Bộ Công an đang chuẩn bị các quy trình, thủ tục để ban hành đề thi tham khảo. Dự kiến sau khi khảo sát, đánh giá, tổ chức cho thí sinh thi thử, đánh giá chất lượng của đề, Bộ Công an sẽ chỉnh sửa và công bố Dạng thức đề thi Kỳ thi đánh giá năm 2025 để thí sinh có định hướng học tập.
Đề thi tham khảo Đánh giá năng lực chuyên biệt ĐH Sư phạm TPHCM 2025 (nhấn vào môn học để xem chi tiết):
Theo công bố của trường, đề thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học gồm 40 câu, chia thành ba phần, thay vì 50 câu với hai phần như trước đây.
Với môn Ngữ văn, đề gồm 22 câu ở ba phần: đọc hiểu (trắc nghiệm); viết đoạn văn ngắn; bài luận. Trong đó, phần viết đoạn văn ngắn là điểm mới so với đề các năm trước. Cấu trúc đề thi Tiếng Anh được giữ nguyên, gồm bốn phần nghe, nói, đọc, viết. Ngữ liệu được lấy trong nhiều lĩnh vực.
Trung tướng Nguyễn Văn Oanh cho biết từ năm 2025, Bộ Quốc phòng tổ chức kỳ thi đánh giá riêng để sử dụng kết quả tuyển sinh cho các trường quân đội.
Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) sẽ phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội để tổ chức kỳ thi riêng này theo phương thức tương tự như kỳ thi đánh giá năng lực mà Đại học Quốc gia Hà Nội đang làm.
Bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào các trường quân đội sẽ gồm nội dung toán, ngữ văn, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên... Thí sinh làm bài thi trên máy. Trung tướng Nguyễn Văn Oanh cho biết dự kiến sẽ dành 30% chỉ tiêu năm 2025 để xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực riêng của khối quân đội. Tỉ lệ này có thể sẽ điều chỉnh căn cứ vào thực tiễn tuyển sinh.
Cùng với phương thức này, khối trường quân đội vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển như đã thực hiện năm 2024.
Kỳ thi V-SAT được khởi xướng từ Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Đây là kì thi đánh giá đầu vào do các trường đại học phối hợp với Trung tâm khảo thí quốc gia (Bộ Giáo dục & Đào tạo) tổ chức. Các trường tổ chức thi V-SAT tự chủ trong việc sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh đại học theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo; đồng thời ưu tiên công nhận và sử dụng chung kết quả của các kỳ thi V-SAT.
Kỳ thi được tổ chức trên máy tính. Thời gian làm bài môn Toán 90 phút. Các môn còn lại mỗi môn thi 60 phút. Các bài thi được tính điểm theo cả hai cách điểm thô và điểm năng lực. Điểm thô của một thí sinh sẽ là tổng số điểm mà thí sinh đạt được dựa trên số tiểu mục câu hỏi trả lời đúng. Đối với dạng thức câu hỏi đúng/sai và ghép hợp, mỗi câu hỏi có 4 tiểu mục câu hỏi; trả lời đúng mỗi tiểu mục sẽ được 1,5 điểm. Đối với câu hỏi trả lời ngắn, mỗi câu trả lời đúng được 6 điểm. Tổng điểm mỗi bài thi là 150 điểm.
Ở bài thi này, để đạt điểm tối đa, thí sinh phải trả lời đầy đủ và đúng 85 tiểu mục câu hỏi thi, đây là điểm khác biệt và cũng là ưu điểm của định dạng bài thi V-SAT. Mỗi đề thi có 3 dạng câu hỏi gồm: Dạng câu trắc nghiệm đúng/sai; dạng câu trắc nghiệm đối chiếu cặp đôi (ghép hợp) và dạng câu trắc nghiệm trả lời ngắn.
Các trường sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT:
Xem thêm: |
WY
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.