Năm nay, một số ngành tại nhiều trường ĐH chỉ tuyển được 2-6 thí sinh, phải tuyển bổ sung số lượng lớn.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh, tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia và được tư vấn tuyển sinh miễn phí. |
Mùa tuyển sinh năm nay tiếp tục ghi nhận điểm chuẩn tăng cao ở một số ngành “hot” như kinh tế, công nghệ thông tin, y dược, ngôn ngữ, truyền thông... Trong khi đó, ở nhiều trường ĐH những ngành truyền thống lại rất khó tuyển sinh, điểm chuẩn thấp, số lượng thí sinh đắng ký cũng thấp nên chỉ tuyển được vài thí sinh.
Chẳng hạn như tại Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM, nhiều ngành tuyển được rất ít, như Kỹ thuật tài nguyên nước 3 em, Quản lý tài nguyên khoáng sản 2 thí sinh, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo cùng có 5 em, Thủy văn học 6 em. Ba ngành có đông thí sinh trúng tuyển nhất và có điểm chuẩn cao nhất lại không phỉa ngành truyền thống của trường, gồm Quản trị kinh doanh 24 điểm, Công nghệ thông tin 24 điểm, Quản lý đất đai 22 điểm. Tất cả ngành còn lại lấy điểm chuẩn 15. Trong đó, điểm thi môn Toán ở các tổ hợp được nhân 2, tức điểm chuẩn theo thang điểm 40; tính ra điểm trung bình mỗi môn dao động 3,75-6 điểm.
Tại Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội, các ngành truyền thống của trường như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, thủy văn học, khí tượng và khí hậu học, kỹ thuật trắc địa bản đồ, quản lý biển, quản lý tài nguyên nước, quản lý tài nguyên và môi trường... lại chỉ lấy 15 điểm.
Các ngành về nông, lâm nghiệp, môi trường tại Trường ĐH Lâm nghiệp 15 điểm đã đậu, còn các ngành công nghệ chế biến lâm sản, lâm học, lâm nghiệp đô thị, quản lý tài nguyên rừng, khoa học môi trường... của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có mức điểm chuẩn thấp so với nhóm ngành kinh tế, công nghệ... chỉ 16 điểm.
Ngay cả tại các trường TOP đầu như ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) những ngành như hải dương học, công nghệ kỹ thuật môi trường địa chất học, kỹ thuật địa chất, khoa học môi trường điểm chuẩn chỉ từ 17-18 điểm. Dù vậy nhưng có ngành vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu đề ra.
Từ năm 2020, thống kê của Bộ GD-ĐT đã cho thấy 5 nhóm ngành có tỷ lệ nhập học thấp nhất, chỉ từ 41 - 65%, trong đó có khoa học tự nhiên, nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, môi trường và bảo vệ môi trường.
Mặc dù nhiều ngành trong nhóm Khoa học cơ bản đang có nhu cầu lớn, thu nhập tốt, nhưng việc đào tạo dài, khắt khe cùng môi trường làm việc có thể vất vả hơn… là những nguyên nhân dẫn đến mất cân đối khi thí sinh lựa chọn ngành nghề.
Tiến sĩ Mai Hải Châu, Phó giám đốc phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, cho rằng: “Công tác tuyển sinh khối ngành truyền thống như nông lâm nghiệp, tài nguyên - môi trường, khai khoáng… gặp rất nhiều khó khăn, với tỷ lệ nhập học thấp. Tất cả điều này sẽ dẫn tới quy hoạch bị phá vỡ, tạo ra sự khủng khoảng về nguồn nhân lực, nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế...”.
Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, ước tính mỗi năm ngành tài nguyên môi trường cần khoảng 10.000 người có trình độ đại học trở lên và khoảng 50.000 người có trình độ kỹ thuật viên và công nhân lành nghề. Những lĩnh vực đang thiếu nhân lực nghiêm trọng là biển và hải đảo, đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, địa chất khoáng sản và một số chuyên ngành mới… Tuy nhiên số lượng người học tại các trường ĐH hiện rất ít.
Không ít người lo ngại các trường mở ngành theo xu hướng rồi đào tạo rất nhiều chỉ tiêu. Hậu quả là sau 4 - 5 năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp quá nhiều trong khi nhu cầu lúc đó giảm.
Xem thêm: |
Jennie
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.