Tuyển sinh số cập nhật đề thi thử môn Ngữ Văn năm 2020 kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 để các em có thể tham khảo. Thí sinh cần ôn luyện để giải các đề thi thử để thống kê lại được những kiến thức trọng tâm nhằm chuẩn bị cho kỳ thi một cách tốt nhất.
I.ĐỌC HIỂU(3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Trong “Bản Tuyên bố về quyền của người dùng”, Facebook cho biết: “Bạn sở hữu tất cả nội dung và thông tin bạn đăng lên Facebook, và bạn có thể kiểm soát cách thông tin được chia sẻ thông qua các cài đặt riêng tư và ứng dụng của mình”. Nhưng hãy nhìn vụ bê bối vừa rồi: 50 triệu thông tin cá nhân từ Facebook đã được giao cho bên thứ ba sử dụng phục vụ cho cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.
... Chúng ta hồn nhiên khi tham gia mạng xã hội và ném vào đại dương dữ liệu lớn mọi thông tin cá nhân. Ai cũng có thể tìm theo dấu tích số của chúng ta trên Internet. Nó không chỉ là những thứ thông tin được viết ra, hay bức ảnh được chủ động đăng tải: với nhu cầu gây dựng dữ liệu, các nhà cung cấp theo dõi nhất cử nhất động của bạn, từ vị trí, các thói quen đọc, những từ khóa bạn tìm kiếm, những người bạn hay tương tác... mọi cú nhấp chuột dù là vô thức đều được ghi lại và trở thành hàng hóa.
... Liệu những nút report (báo cáo) nội dung bị xâm hại cá nhân của các nhà cung cấp là đủ? Liệu khung pháp lý đã đủ để trấn an người dùng về an toàn mạng? Trước khi mọi thứ được kiểm soát thì có thế hậu quả đã xảy ra như một nữ sinh ở Nghệ An mới tự tử vì bạn trai đưa clip hôn nhau lên mạng. Diên viên, nhà văn Steven Wright từng nói: “Internet giống như miền Tây hoang dã vậy. Chẳng có luật lệ”
Vấn đề hôm nay không phải là giá cổ phiếu của Facebook sụt bao nhiêu hay Mark Zuckerberg mất mấy tỷ USD, mà là sự cẩn trọng của chính bạn khi tham gia môi trường mạng đang ra sao. Thế hệ tôi, 8x đời đầu, may thay vẫn có được một tuổi thơ không Internet. Tôi đang nghĩ về những thế hệ lớn lên trong thời đại số. Làm sao để con tôi, cháu tôi được giáo dục Internet đầy đủ, biết ý thức khai thác mặt tốt của Internet và biết tự bảo vệ mình?...
(Đời tư là hàng hóa - Phạm Hải Chung - vnexpress.net 22/03/2018).
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ chính được sử dụng trong đoạn văn bản trên?
Câu 2: Anh/chị hiểu như thế nào về nhận xét: “Internet giống như miền Tây hoang dã vậy. Chẳng có luật lệ.’?
Câu 3: Tại sao tác giả lại cho rằng “Mọi cú nhấp chuột dù là vô thức đều được ghi lại và trở thành hàng hóa”.
Câu 4: Hãy nêu ra một số biện pháp thiết thực theo quan điểm cá nhân của anh/chị để trả lời câu hỏi: “Làm sao để con tôi, cháu tôi được giáo dục Internet đầy đủ, biết ý thức khai thác mặt tốt của Internet và biết tự bảo vệ mình?”.
II. LÀM VĂN(7 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Vấn đề mà văn bản Đọc- hiểu đặt ra gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về một trong các kỹ năng sống rất cần thiết trong xã hội hiện đại: sự cẩn trọng. Hãy trình bày suy nghĩ bằng đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ.
Câu 2: (5.0 điểm)
Phân tích diễn biến tâm trạng của Tràng sau khi nhặt vợ ( Vợ nhặt – Kim Lân). Từ đó liên hệ với tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở đến lúc bị Thị Nở từ chối (Chí Phèo – Nam Cao) để suy nghĩ về sức mạnh của tình yêu, hạnh phúc gia đình đối với cuộc sống con người.
I. Đọc - hiểu
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ chính được sử dụng trong đoạn văn bản trên: chính luận
Câu 2:
Nhận xét “Internet giống như miền Tây hoang dã vậy. Chẳng có luật lệ.’: được hiểu: (các em lựa chọn một trong số các ý sau):
- Khẳng định môi trường Internet hiện nay phát triển tự nhiên, mạnh mẽ và quá khốc liệt.
- Khẳng định đây là môi trường thiếu sự an toàn, thiếu sự kiểm soát bằng các quy định chặt chẽ; (hoặc: Cảnh báo việc tham gia vào Internet cần có sự đề phòng cần thiết vì đây là một môi trường thiếu sự kiểm soát bằng các quy định chặt chẽ).
Câu 3: Mọi cú nhấp chuột dù là vô thức đều được ghi lại và trở thành hàng hóa vì:
- Trên Internet tính bảo mật và riêng tư đều không thực sự được coi trọng. Mọi thông tin, mọi lựa chọn cá nhân, mọi hành vi của người sử dụng dễ dàng bị theo dõi, để lại dấu tích.
- Những thông tin, lựa chọn cá nhân tạo thành kho dữ liệu khổng lồ, có giá trị.
- Thông tin cá nhân đôi khi trở thành hàng hóa được mua bán giữa các nhà cung cấp dịch vụ mạng nhằm phục vụ cho những mục đích nhất định và mang lại lợi ích cho nhà cung cấp mà không đem đến bất cứ ích lợi nào cho người dùng
Câu 4: Hướng dẫn làm bài
- Cần được cung cấp kiến thức hiểu biết về Internet, để có đủ kỹ năng khi sử dụng Internet:
Cần chú ý đến tính bảo mật, đọc kĩ và thực hiện theo các điều khoản bảo mật;
Có ý thức cao, bản lĩnh khi sử dụng Internet; tránh các việc: bị lôi kéo vào các dịch vụ phát sinh; các nhóm, các hội không minh bạch; liên kết với các đường dẫn kết nối lạ.
- Có kỹ năng khai thác, sử dụng đúng mục đích, đúng giá trị kho dữ liệu khổng lồ của Internet.
- Có ý thức tăng cường giao lưu, học hỏi trong cuộc sống thực, tránh lãng phí thời gian trên mạng xã hội khi không cần thiết, tránh tình trạng “sống ảo”.
- Cần có ý thức đấu tranh cho bản thân và cộng đồng trước hiện tượng thông tin cá nhân bị xâm phạm và lợi dụng.
II. Làm văn
Câu 1:
- Các em cần vận dụng tốt thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng
- Ví dụ:
+/ Giải thích: Sự cẩn trọng là thái độ thận trọng trong lời nói và hành động, tránh sơ xuất để xảy ra những điều bất lợi.
+/ Bàn luận: Vai trò, ý nghĩa của sự cẩn trọng trong xã hội hiện đại:
Xã hội hiện đại càng phát triển, đặc biệt là sự phát triển của thế giới ảo nảy sinh nhiều vần đề phức tạp.
Trước mỗi hành động, việc làm, sự cẩn trọng sẽ giúp chúng ta có những quyết định đúng đắn hiệu quả. Ngược lại, nếu không cẩn trọng, chúng ta dễ mắc sai lầm.
Sự cẩn trọng không dễ dàng có được, đó là một kĩ năng sống đòi hỏi sự rèn luyện và nỗ lực của mỗi người.
+/ Phê phán lối sống cẩu thả, tùy tiện; phân biệt cẩn trọng với sự cẩn thận thái
- Liên hệ, rút ra bài học thiết thực cho bản thân.
Câu 2: Hướng dẫn làm bài
* Phân tích diễn biến tâm trạng của Tràng sau khi nhặt vợ trong tác phẩm Vợ nhặt
- Chặng 1: Cách chọn vợ đại khái
“Chợn” (sợ). Nhưng rồi tặc lưỡi “chậc” (kệ)
=> Một sự táo bạo liều lĩnh, đánh cuộc với cái đói để đi đến hạnh phúc đời thường.
- Chặng 2: Cảm giác tự đắc, niềm vui, hồi hộp, nhưng vẫn sống và sống trong cảm giác nghi hoặc
Trên đường đưa vợ về nhà (tự đắc, niềm vui)
Khi vợ vào nhà (hồi hộp nhưng vẫn lấy lại được sự bình tĩnh cần thiết, nghi hoặc)
- Chặng 3: Sự tự ý thức về hạnh phúc
“Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người”….”Hắn xăm xăm chạy ra….căn nhà”
Phân tích từ “nên người” và “xăm xăm”
=> Hành động nhanh, mạnh, quyết định, thể hiện sự chủ động của Tràng.
- Chặng 4: Những dự cảm đổi đời
Phân tích câu cuối cùng và hình ảnh lá cờ.
Bài văn tham khảo: Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng trong chuyện Vợ nhặt
* Liên hệ với tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở đến lúc bị Thị Nở từ chối
Sự thức tỉnh
- Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, lần đầu tiên Chí Phèo thực sự “tỉnh”
Chợt nhận ra ở trong cái lều ẩm thấp của Chí sẽ thấy “chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”
Bâng Khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài
Tỉnh để cảm thấy miệng đắng và “lòng mơ hồ buồn”
Cảm thấy “sợ rượu” ⇒ đây là dấu hiệu của sự thức tỉnh rõ ràng nhất
Cảm nhận những thanh âm của cuộc sống: âm thanh của tiếng chim hót, tiếng người cười nói…
Hắn đủ tình để nhận thức hoàn cảnh của mình, để thấy mình cô độc
⇒ Cuộc gặp với Thị Nở đã giúp Chí Phèo thực sự tỉnh táo sau những cơn say triền miên
Là niềm vui, hi vọng, ước mơ quay trở về làm người lương thiện của mình
- Niềm hi vọng của thời trẻ quay trở lại: mong muốn một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải; nuôi lợn, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng
- Khi thấy bát cháo hành của Thị Nở, Chí Phèo ngạc nhiên và thấy “mắt mình như ươn ướt” ⇒ xúc động vì lần đầu tiên có người chăm sóc
- Thấy Thị Nở có duyên, cảm thấy vừa vui vừa buồn
- Hắn muốn làm nũng với Thị, thấy lòng thành trẻ con
- Chí Phèo thèm lương thiện: Tình yêu của Thị Nở làm hắn nghĩ bản thân có cầu nối để trở về
- Tình yêu với Thị Nở khiến hắn đủ hi vọng và mong ước có một gia đình: “Hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”
⇒ Gặp Thị Nở, Chí Phèo đã trải qua những cảm xúc chưa hề có trong đời, mang đến niềm vui, niềm hi vọng và mong ước trở về làm người lương thiện trỗi dậy
Sự thất vọng, đau đớn khi bị từ chối
- Tình yêu bị ngăn cấm bởi bà cô thị Nở, bởi vậy, khi Thị Nở từ chối, Chí Phèo thất vọng và đau đớn:
“Ngẩn người”, “ngẩn mặt”: Thái độ biểu thị sự hiểu ra, nhận thức được tình cảnh của mình ⇒ đáng thương
Thoáng thấy hương cháo hành: hồi tưởng về tình yêu đã trải qua
Hành động: Nắm lấy tay Thị ⇒ mong muốn líu kéo hạnh phúc
Hắn tìm đến rượu rồi “ôm mặt khóc rưng rức”
⇒ Mong muốn trở về làm người lương thiện không còn nữa, Chí đau đớn, tuyệt vọng khi tình yêu của mình không trọn vẹn
Cảm giác phẫn uất tuyệt vọng đến tột cùng
- Mong muốn quay trở lại làm người lương thiện không thể thực hiện được, niềm phẫn uất trong Chí đẩy lên cao
- Hắn quyết định đến nhà thị Nở “để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó”.
- Nhưng “hắn không rẽ vào nhà thị Nở mà thẳng đường đến nhà Bá Kiến" và nói thẳng với Bá Kiến: niềm phẫn uất đã khiến Chí Phèo xác định đúng kẻ thù của mình
Có thể bạn quan tâm: Diễn biến tâm trạng Chí phèo sau khi gặp Thị Nở
Liên hệ:
- Với Tràng, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một người nông dân với những nét phẩm chất, tính cách, trí tuệ, ngôn ngữ tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam.
- Với Chí Phèo, Nam Cao đã xây dựng được một nhân vật điển hình cho một tầng lớp của xã hội. Đặc biệt, thông qua hai nhân vật này, người đọc cảm nhận được tấm lòng nhân đạo cũng như sự nhìn nhận đa chiều để trân trọng vẻ đẹp con người của hai nhà văn.
- Tràng tốt bụng nhưng khao khát có vợ của Tràng rất mãnh liệt, Chí lúc trước cũng là một người hiền hậu, chất phác cũng ước mơ có một cuộc sống bình dị như bao người “một cuộc sống nho nhỏi, chồng cày thuê, vợ dệt vải”. Nhưng số phận của Tràng có lẽ may mắn hơn Chí Phèo rất nhiều. Tràng còn tìm thấy lối thoát và có một cái kết có hậu, nhưng Chí thì chỉ có thể tìm đến cái chết để được làm người… lương thiện.
Kết bài: Suy nghĩ về sức mạnh của tình yêu, hạnh phúc gia đình đối với cuộc sống con người:
- Từ sự thay đổi tâm trạng cũng như tính cách của hai nhân vật để thấy sức mạnh cảm hóa của tình yêu, hạnh phúc gia đình
- Sức mạnh của tình yêu: tình yêu tiếp thêm sức mạnh giúp ta thêm yêu cuộc sống hơn, giúp ta hoàn thiện bản thân và trở thành người hạnh phúc
- Hạnh phúc gia đình có một sức mạnh to lớn: gia đình luôn yêu thương bao dung, chở che, đùm bọc, đón nhận ta trong những tình huống nghiệt ngã của cuộc đời. Cần có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn mái ấm gia đình.
Đó là mẫu đề thi thử THPT Quốc gia năm 2020 môn Ngữ Văn với dạng câu hỏi và những dạng bài thí sinh thường gặp trong các kỳ thi. Thí sinh có thể tham khảo các đề thi thử khác của chúng tôi được cập nhật trên website.
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.