Trong quá trình ôn luyện để vượt qua kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 thì làm đề thi thử sẽ là cách để các thí sinh có thể rèn luyện được các kỹ năng làm bài cũng như phân bố thời gian hợp lý để hoàn thành bài thi.
Tuyển sinh số sẽ gửi tới các bạn đề thi thử THPT Quốc gia năm 2020 môn Ngữ Văn mẫu số 6 để thí sinh tham khảo.
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi:
Ngày 12/9, trên mạng xã hội xôn xao clip bắt quả tang xe vận tải chở thực phẩm không đảm bảo chất lượng vào trường học. Kèm theo clip là những hình ảnh một số loại củ quả có biểu hiện thối rữa, thậm chí xuất hiện cả dòi bọ bên trong. Cụ thể như quả bí xanh, đu đủ đã không còn tươi, su su hỏng mọc rễ, bí đỏ thối... Không những thế, có người đập thử một quả trứng, bằng mắt thường cũng có thể thấy quả trứng này rất loãng, lòng đỏ nát, dấu hiệu của việc trứng đã hỏng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sự việc trên được phát hiện tại trường tiểu học Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Ngay sau khi phát hiện sự việc trên, rất đông phụ huynh học sinh đã đến kiểm tra. Tất cả đều tỏ rõ sự bức xúc vì nhà trường sử dụng thực phẩm bẩn, không an toàn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu.
Thông tin từ người đăng tải clip cho biết, thời gian gần đây, nghi ngờ về việc trường học nhập thực phẩm hỏng, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ đem về chế biến cho học sinh bán trú ăn trưa nên người dân đã tổ chức “mai phục” để bắt quả tang.
(Theo Lê Phương, Báo mới, ngày 13/9/2017).
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên? (0,5đ)
Câu 2: Theo tác giả, sau khi phát hiện vụ việc trên, thái độ của phụ huynh học sinh ra sao? (0.5đ)
Câu 3: Xác định biện pháp tu từ trong câu văn "Cụ thể như quả bí xanh, đu đủ đã không còn tươi, su su hỏng mọc rễ, bí đỏ thối.". Nêu tác dụng? (1,0đ)
Câu 4: Theo anh (chị) thông điệp mà tác giả muốn nói với người đọc là gì? (1đ)
Phần II. Làm văn
Câu 1
Từ ngữ liệu Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề thực phẩm bẩn trong xã hội ngày nay.
Câu 2
Bàn về đặc điểm cái “tôi” trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Đó là cái tôi giàu khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, mãnh liệt. Lại có ý kiến khẳng định: Bài thơ đã thể hiện một cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người.
Từ cảm nhận về cái “tôi” trong bài thơ, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
Phần I. Đọc hiểu
Câu 1
Phong cách ngôn ngữ báo chí
Câu 2
Sau khi phát hiện vụ việc trên, thái độ của phụ huynh tỏ rõ sự bức xúc vì nhà trường sử dụng thực phẩm bẩn, không an toàn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu
Câu 3
- Biện pháp tu từ: liệt kê (bí xanh, đu đủ đã không còn tươi, su su hỏng mọc rễ, bí đỏ thối)
- Tác dụng: Nhấn mạnh, làm rõ thực trạng sử dụng thực phẩm bẩn ở trường tiểu học Lý Nhân.
Câu 4
HS có thể đưa ra nhiều thông điệp khác nhau song phải đảm bảo tính hợp lý và nhân văn.
Chẳng hạn: Thông điệp mà tác giả muốn nói với người đọc là "Vì sức khỏe của cộng đồng, hãy nói không với thực phẩm bẩn".
Phần II. Làm văn
Câu 1
Hướng dẫn làm bài
- Giải thích và nêu thực trạng:
+ Thực phẩm bẩn là những loại thức ăn không hợp vệ sinh an toàn thực phẩm; là những thực phẩm chứa các chất độc hại, tác động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người.
+ Thực trạng: Vấn đề thực phẩm bẩn là một hiện tượng phổ biến, đang diễn ra từng ngày: thịt có chất tạo nạc, rau có thuốc trừ sâu; làm đổ ruốc bằng hóa chất… Tuy là vấn đề không còn mới mẻ, lạ lẫm với bất cứ người nào nhưng ngày càng ở mức báo động cao gây ra những ảnh hưởng xấu về sức khỏe con người.
- Hậu quả: gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống: Bệnh tật nguy hiểm: viêm màng não, bệnh ung thư… gây tâm lí hoang mang cho xã hội. Thực phẩm bẩn có giá bán rẻ hơn thực phẩm sạch, gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến cá nhân , doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế.
- Nguyên nhân: Kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn mang lại lợi nhuận cao; tâm lí dùng và tiêu thụ hàng rẻ, đặc biệt là hàng có xuất xứ Trung Quốc của người Việt Nam; do thái độ độc ác, ích kỉ của những người sản xuất thực phẩm chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân...
- Giải pháp: Nâng cao ý thức, tuyên truyền về nhận thức của người sản xuất trong xã hội về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo sức khỏe của xã hội; tăng cường kiểm soát, ra những quy định xử phạt các cơ quan sản xuất thực phẩm bẩn nghiêm minh từ nhà nước; mỗi cá nhân cần tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho mình và gia đình
Lưu ý
Đoạn văn mẫu nghị luận về vấn đề thực phẩm bẩn trong xã hội ngày nay
Thời gian gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành vấn đề nhức nhối, gây xôn xao dư luận. Vệ sinh thực phẩm là một khái niệm khoa học để chỉ thực phẩm không chứa vi sinh vật gây bệnh và không chứa độc tố. Khái niệm đó còn bao gồm khâu tổ chức vệ sinh trong chế biến bảo quản thực phẩm. Vệ sinh an toàn thực phẩm là việc bảo đảm thực phẩm không bị hỏng, không chứa các tác nhân vật lí, hoá học, sinh học, hoặc tạp chất quá giới hạn cho phép, không phải là sản phẩm của động vật, thực vật bị bệnh có thể gây hại cho sức khỏe con người. Liên tiếp gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đang khiến nhiều người cảm thấy rất hoang mang. Những thực phẩm thiết yếu hàng ngày như rau, củ, thịt, cá hay ngay cả dầu ăn, nước mắm… tất cả đều có nguy cơ nhiễm bẩ, như: Thịt heo nạc bất thường do lạm dụng chất cấm salbutamol trong chăn nuôi, măng tươi được tẩm, nhuộm Auramine O – chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do: Doanh nghiệp, nhà sản xuất vì lợi nhuận mà bất chấp các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do người tiêu dùng: Thiếu hiểu biết, ham của rẻ mà tiêu thụ sản phẩm một cách tràn lan, không chọn lọc. Do các cơ quan có thẩm quyền: Quản lý còn lỏng lẻo và chưa có biện pháp xử lý nghiêm. Hậu quả để lại là sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng, tính mạng bị đe dọa. Dẫn chứng: Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm có khoảng 170 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 7 nghìn người trúng độc và 37 người chết. Gây tâm lí hoang mang, sự bất ổn có thể nảy sinh trong xã hội khi không còn niềm tin, tình thương giữa con người với con người. Thực phẩm bẩn có giá bán rẻ hơn thực phẩm sạch, gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến cá nhân, doanh nghiệp chân chính, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế. Cần phải nâng cao hiểu biết cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ về tác hại khôn lường, lâu dài của việc sử dụng, tiêu thụ thực phẩm bẩn. Đồng thời, đưa ra hình thức xử phạt đủ sức răn đe để loại bỏ việc sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bênh cạnh đó cần đẩy mạnh việc sản xuất thực phẩm hữu cơ, biến đổi gen có lợi, an toàn cho sức khỏe. Bản thân mỗi người cần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, cần có trách nhiệm với vấn nạn chung với xã hội, không thực hiện hay tiếp tay cho hành vi sản xuất, chế biến, lưu hành thực phẩm bẩn. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của những người xung quanh về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Câu 2
* Vài nét về tác giả, tác phẩm:
- Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.
- “Sóng” là bài thơ tình đặc sắc được Xuân Quỳnh sáng tác nhân chuyến đi thực tế về vùng biển Diêm Điền. Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng sóng: tình yêu thiết tha, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son chung thuỷ, vượt lên mọi giới hạn của đời người nhưng cũng chất chứa nhiều day dứt, lo âu.
* Giải thích ý kiến:
- “Cái tôi” là cái bản ngã, là tâm trạng, cảm xúc, là thế giới tâm hồn riêng của nhà thơ trước hiện thực khách quan. Qua “cái tôi”, ta có thể thấy được những suy nghĩ, thái độ, tư tưởng... của nhà thơ trước cuộc đời.
- “Khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt”: là những mong muốn, khát khao trong cuộc sống và tình yêu được đẩy lên đến cao độ, nồng nàn - biểu hiện của một con người trẻ trung, say mê, đầy sức sống.
- “Cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người”: là cái tôi tinh tế trong cảm nhận, giàu trăn trở suy tư khi nhận ra sự ngắn ngủi của tình yêu và sự mong manh của đời người.
=> Cả hai ý kiến trên đều đúng và bổ sung cho nhau, hoàn thiện ý nghĩa khái quát: thơ Xuân Quỳnh tiêu biểu cho tiếng nói tâm tư, tình cảm của giới mình.
* Cảm nhận về cái tôi trong bài “Sóng”:
+ Cái tôi có khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt:
- Cái tôi khát vọng được sống đúng với cá tính của mình, được thấu hiểu và được yêu thương nên đã dấn thân vào hành trình gian truân tìm kiếm hạnh phúc: "Sông không hiểu nổi mình/Sóng tìm ra tận bể". Cái tôi còn khát vọng khám phá bản chất, nguồn gốc của tình yêu, để rồi nhận ra rằng tình yêu là bí ẩn, thiêng liêng và không thể nào lí giải được “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau"
- Cái tôi mang nỗi nhớ nồng nàn da diết, nỗi nhớ ấy vượt qua mọi khoảng cách không gian, mọi giới hạn thời gian, không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi cả vào trong tiềm thức, xâm nhập cả vào những giấc mơ: "Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức/ Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương"
- Cái tôi khát vọng và tin tưởng tình yêu chung thuỷ sẽ vượt qua những biến động của cuộc sống, những thăng trầm của cuộc đời để đến được bến bờ hạnh phúc: “Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua/ Như biển kia dẫu rộng/ Mây vẫn bay về xa”. Đó cũng chính là một nét đẹp của cái tôi trữ tình hay chính nhà thơ.
+ Cái tôi nhạy cảm day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người:
- Bằng sự chiêm nghiệm của một trái tim đa cảm và sự từng trải, nhà thơ đã sớm nhận ra nghịch lý: đời người là ngắn ngủi so với thời gian vô thuỷ vô chung; khát vọng tình yêu là khôn cùng mà kiếp sống của mỗi người là hữu hạn.
- Cái tôi tìm cách hoá giải nghịch lý và nỗi day dứt ấy bằng khát vọng hoá thân vào sóng, hoà nhập vào biển lớn tình yêu để mãi mãi được yêu thương và dâng hiến, để tình yêu vượt qua sự hữu hạn của phận người: "Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ"
+ Nghệ thuật thể hiện:
- Cái tôi trong “Sóng” được thể hiện bằng thể thơ ngũ ngôn với nhịp thơ linh hoạt, giọng điệu chân thành, da diết, riêng khổ 5 là khổ duy nhất trong bài gồm 6 câu thơ, như một sự phá cách để thể hiện một trái tim yêu tha thiết, nồng nàn.
- Ngôn ngữ bình dị với thủ pháp nhân hoá, ẩn dụ, các cặp từ tương phản, đối lập, các điệp từ; cặp hình tượng sóng và em vừa sóng đôi, vừa bổ sung hoà quyện vào nhau cùng diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của cái tôi thi sĩ.
* Bình luận, đánh giá hai ý kiến:
- Hai ý kiến trên đều đúng, cả hai đề cập đến những đặc điểm khác nhau của cái tôi Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng. Ý kiến thứ nhất nhất mạnh đến khát vọng sống, khát vọng yêu, ý kiến thứ hai khẳng định sự nhạy cảm, nỗi day dứt của cái tôi về giới hạn tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người.
- Hai ý kiến tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành sự nhìn nhận toàn diện về cái tôi của thi sĩ; giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn về vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
Đó cũng là mẫu đề thi thử THPT Quốc gia năm 2020 môn Ngữ Văn mẫu số 6 hy vọng sẽ giúp các em học sinh có thêm được kiến thức cũng như những kỹ năng để vững vàng bước vào kỳ thi sắp tới.
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.