Nhiều sai lầm ở bậc phụ huynh khi cùng con chọn ngành, nghề tương lai ảnh hưởng tới con cái mình.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh và tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia. |
Ông Phạm Sỹ, chuyên viên tư vấn tâm lý Trung tâm nhịp cầu hạnh phúc từng chỉ ra 7 sai lầm mà phụ huynh thường mắc phải khi giúp con chọn nghề nghiệp cho tương lai:
1. Chọn nghề vượt quá khả năng trí tuệ
Nhiều phụ huynh khi giúp con chọn nghề ít để ý đến năng lực học tập của con. Đôi khi sức học của con có hạn nhưng cha mẹ lại hướng chọn trường đòi hỏi khả năng học tập, nghiên cứu cao mà ít người có thể theo được. Hệ quả của nó làm cho con trẻ ảo tưởng về bản thân, hoặc cảm thấy áp lực khi thi cử và mất tự tin vào bản thân. Nếu may mắn trúng tuyển vào ngành đã chọn nhưng do sự đòi hỏi cao của ngành học, bản thân người học lại không đủ năng lực để theo học, nên dễ dẫn đến cảnh “đứt gánh giữa đường”.
Để tránh mắc phải sai lầm này, cha mẹ nên theo dõi sát tình hình học tập cũng như khả năng của con cái. Nên căn cứ vào năng lực học tập của con để chọn ngành nghề phù hợp. Cần chỉ bảo, phân tích cho con nhận thấy khả năng thực của bản thân với những đòi hỏi nghề nghiệp.
2. Chọn nghề mà không có khả năng đặc biệt của nghề
Một số ngành nghề như kiến trúc, hội họa… đòi hỏi người học phải có những khả năng chuyên biệt như độ khéo léo, tỉ mỉ... Do vậy trước khi hướng nghiệp, cha mẹ phải tìm hiểu con mình có những khả năng ấy hay không. Cha mẹ nên cung cấp cho con cái những yêu cầu, đòi hỏi cũng như thông tin liên quan đến ngành học để giúp con suy nghĩ và có những lựa chọn phù hợp.
3. Chọn nghề mà con không có đủ đức tính, phẩm chất phù hợp
Với một số ngành nghề, ngoài những đòi hỏi về khả năng trí tuệ, năng lực chuyên biệt, người học cần phải có một số đức tính, phẩm chất phù hợp với nghề. Con bạn rất khó để theo nghề sư phạm nếu không có lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm… Do vậy, khi giúp con hướng nghiệp, cha mẹ nên căn cứ vào các đặc điểm về nhân cách của con. Hướng con đến những lựa chọn phù hợp với “đức và tài” để con cái lựa chọn được những nghề nghiệp phù hợp và ổn định sau này.
4. Chọn nghề mà con thiếu điều kiện sức khỏe và thể chất
Khi giúp con chọn nghề, cha mẹ thường chỉ quan tâm đến những yếu tố như đầu vào, công việc sau khi ra trường, mức thu nhập khi hành nghề… mà quên đi một yếu tố hết sức quan trọng: sức khỏe thể chất để theo nghề.
Chuyên viên Phạm Sỹ cho rằng, nhiều ngành nghề khi theo học đòi hỏi người học phải có sức khỏe nhất định về mặt thể chất. Nhiều bậc phụ huynh do không tìm hiểu kỹ nên đã hướng con vào những ngành đòi hỏi cao về thể lực dẫn đến việc không đáp ứng được và phải nghỉ giữa chừng. Do vậy, cha mẹ nên quan tâm đến không chỉ sức khỏe về mặt thể chất mà cần quan tâm đến sức khỏe về mặt tinh thần khi hướng nghiệp cho con.
5. Chọn nghề theo mơ ước, nguyện vọng của cha mẹ
Đây có lẽ là một trong những sai lầm phổ biến nhất của các bậc phụ huynh khi giúp con chọn nghề. Việc làm này của cha mẹ vô hình dung đẩy con em mình vào vô số những khó khăn như áp lực học hành, không có hứng thú trong việc học, thậm chí có những em đi học với suy nghĩ “học cho bố mẹ” nên học không đến nơi đến chốn.
Chính vì thế, trong quá trình hướng nghiệp, cha mẹ nên đóng vai trò là người bạn, là nhà tư vấn để con tham khảo ý kiến. Hơn ai hết, các em biết rõ về năng lực, sở thích của mình nên để cho chính các em quyết định và lựa chọn ngành học. Các bậc phụ huynh một mặt không nên bắt con chọn nghề theo mong muốn, nguyện vọng của mình; mặt khác cũng không nên để con chọn nghề theo lời rủ rê của bạn bè hoặc bị sự tác động bởi các ngôi sao, thần tượng.
6. Chọn nghề không dựa vào khả năng tài chính của gia đình
Để tránh phải sai lầm chọn nhầm ngành nhầm nghề, trước khi chọn nghề cùng con, cha mẹ nên xem đến khả năng tài chính của gia đình cũng như khả năng tài chính giới hạn để theo đuổi nghề. Đừng vì mong muốn cho con đi học bằng mọi gia mà không lường trước được mức độ tốn kém, để rồi việc học hành của con phải bỏ dở giữa chừng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm trạng và cảm xúc của các em.
7. Chọn nghề nhiều người theo đuổi
Nhiều bạn trẻ chia sẻ với chuyên viên tâm lý rằng, trước đây do nghe theo cha mẹ chọn những nghề có quá nhiều người theo đuổi, nên giờ thất nghiệp. Cũng có bạn chia sẻ vì là ngành “hot” nên khi đi làm, thật khó để có được chỗ làm tốt với cơ hội thăng tiến và thành đạt.
Hệ lụy của việc làm này là các bạn trẻ phải làm những công việc không yêu thích hoặc phải mất thời gian, công sức và tiền bạc để học lại những ngành nghề khác.
Xem thêm: |
Jennie
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.