Chỉ còn vài tuần nữa, kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 chính thức diễn ra, thời gian này được coi là giai đoạn quan trọng nhất khi ôn thi.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh, tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia và được tư vấn tuyển sinh miễn phí. |
Nhằm giúp thí sinh tối ưu hóa được kết quả ôn luyện trong giai đoạn này, chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - giáo viên môn Vật lí tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI gợi ý tới các em chiến thuật ôn thi nước rút hiệu quả thông qua bài phỏng vấn sau:
Thưa thầy, việc ôn luyện trong giai đoạn nước rút có điểm gì khác với các giai đoạn trước?
Khác với các giai đoạn trước là tập trung cho việc học kiến thức mới, trong giai đoạn nước rút các bạn nên tập trung cho việc ôn tập lại kiến thức cũ, làm tươi lại kiến thức một cách đầy đủ và hệ thống. Trong quá trình ôn tập, cần lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất, việc nắm vững kiến thức lý thuyết là rất quan trọng vì câu hỏi lý thuyết chiếm khoảng 60% đề thi, là những câu dễ làm nhất và có thể làm nhanh.
Kiến thức lý thuyết dễ hiểu, dễ học và có thể học nhanh do không tốn nhiều thời gian nên hoàn toàn có thể ôn tập theo trình tự và đầy đủ.
Vấn đề của lý thuyết là dễ bị quên và tạo thành các lỗ hổng kiến thức mà chúng ta không nhận ra, vì vậy nên ôn tập lý thuyết theo cách càn quét từng mảng lớn để đảm bảo không bỏ sót kiến thức.
Các em nên có một bộ câu hỏi lý thuyết chuẩn về cấu trúc, đầy đủ về nội dung để bám theo đó mà ôn luyện. Bộ lý thuyết đầy đủ không chỉ giúp các bạn củng cố lại kiến thức, mà còn giúp phát hiện ra các lỗ hổng kiến thức để kịp thời bù đắp.
Thứ hai là việc ôn luyện bài tập cần được thực hiện cách khác, vì tùy vào sức học và mục tiêu điểm số khác nhau mà có thể chỉ cần ôn tập một phần trong tất cả các dạng bài tập, chứ không nhất thiết phải ôn tập toàn bộ giống lý thuyết.
Quá trình ôn bài tập nên được thực hiện kèm với lý thuyết, nhưng cần có sự ưu tiên khác nhau với các dạng bài.
Các dạng bài tập căn bản và có xác suất xuất hiện trong đề thi cao hơn thì cần được ưu tiên hơn.
Các dạng bài khó vận dụng cao thì do ít xuất hiện trong đề thi nên chỉ những người nào cần điểm rất cao mới nên dành thời gian cho chúng.
Thứ ba là luyện đề thi thử cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và chăm chỉ. Các em nên tìm một bộ đề thi tốt, có đầy đủ các dạng câu hỏi trong chương trình thi để ôn luyện.
Nên xây dựng một chiến thuật làm đề hiệu quả và phù hợp với bản thân bạn để nâng cao tối đa được điểm số trong quá trình làm bài thi.
Đề thi năm nay có điểm gì khác và thầy có lời khuyên gì đặc biệt cho các bạn học sinh để có thể tối đa được điểm thi trong năm nay?
Nếu học sinh không hiểu rõ về đề thi để xây dựng được chiến thuật ôn thi cho đúng thì có thể sẽ phạm phải những sai lầm rất đáng tiếc, ảnh hưởng đến kết quả thi.
Đề thi Vật lý gồm 40 câu hỏi, mỗi câu có 4 lựa chọn A, B, C, và D. Như vậy xác suất để trả lời ngẫu nhiên đúng một câu hỏi bất kỳ là 1/4.
Điều này có nghĩa là, ngay cả với học sinh không vững kiến thức, chỉ bằng đoán mò cũng có thể đạt điểm số trung bình là 0,25×40×1/4 = 2,5 điểm.
Nếu thí sinh có năng lực làm được N câu hỏi (biết cách làm, làm đúng, và làm kịp thời gian) thì chỉ phải đoán mò (40 - N) câu còn lại, như vậy điểm trung bình thí sinh có thể đạt được là Đ = 0,25×N + 0,25×(50-N)×1/4 = 0,1875×N + 2,5.
Từ đó suy ra, để đạt được điểm số Đ, thí sinh cần có đủ năng lực để làm được N = (Đ - 2,5)/0,1875 câu hỏi trong đề thi. Từ công thức này, chúng ta được bảng kết quả sau :
Theo như cấu trúc của đề tham khảo 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thì đề thi Vật lý năm nay có tới 35 câu hỏi ở mức 1 (nhận biết) và mức 2 (thông hiểu).
Như vậy chỉ cần làm được 35 câu hỏi này các em đã có thể đạt được mức điểm trung bình là 9 điểm. Do đó học sinh nên dựa vào mục tiêu điểm số cần đạt được để xác định cần ưu tiên học những nội dung nào.
Nếu chỉ cần khoảng 8,5 điểm môn Vật lý thì không cần thiết phải đầu tư ôn luyện các câu hỏi mức 3 (vận dụng) và mức 4 (vận dụng cao), và khi đó việc học sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn rất nhiều.
Như vậy thì việc ôn luyện các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao nên được thực hiện như thế nào ạ?
Trong đề thi có 5 câu hỏi mức 3 và mức 4. Dựa vào bảng tính toán phía trên có thể thấy chỉ những bạn cần đạt được điểm từ 9 trở lên mới phải ưu tiên cho loại câu hỏi này.
Mặc dù chỉ có 5 câu nhưng đây là các câu hỏi vừa khó vừa phức tạp, và được ra trong phạm vi rất rộng nên việc ôn luyện sẽ tốn rất nhiều công sức, nên các bạn cần phải cân nhắc kỹ.
Các bạn cũng cần lưu ý là câu hỏi mức 3 và mức 4 chỉ được ra trong chương trình của Học kỳ I, nằm ở các chuyên đề Dao động cơ học, Sóng cơ học, và Dòng điện xoay chiều. Các chuyên đề còn lại chỉ cần học kiến thức lý thuyết và bài tập cơ bản là đủ.
Trân trọng cảm ơn thầy !
Xem thêm: |
Nguồn theo Báo Giáo dục Việt Nam
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.