Tất cả các thí sinh trên cả nước sẽ bước vào môn thi Lịch sử - kỳ thi THPT Quốc gia năm 2012. Theo đó, môn Lịch sử thí sinh sẽ làm bài thi trong khoảng thời gian là 90 phút theo hình thức tự luận.
Tuyển sinh số sẽ cập nhật đáp án chính thức của Bộ giáo dục và Đào tạo môn Lịch sử để thí sinh và phụ huynh có thể tiện theo dõi.
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)
Câu 1: Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp đã tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
- Từ năm 1919 đến năm 1929, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai. Điểm nổi bật là tư bản Pháp đẩy mạnh đầu tư vốn sang thuộc địa, nhiều nhất là đầu tư vào nông nghiệp, chủ yếu là cao su.
- Công nghiệp được mở rộng quy mô, khai thác mỏ được coi trọng, đặc biệt là mỏ than. Thương mại, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng đều có bước phát triển
- Thực dân Pháp còn thi hành các biện pháp tăng thuế, do vậy ngân sách Đông Dương tăng lên. Nhìn chung kinh tế Việt Nam có bước phát triển mới do có đầu tư kĩ thuật và nhân lực, song rất hạn chế.
- Cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn mất cân đối. Sự chuyển biến kinh tế chỉ diễn ra có tính chất cục bộ, tình trạng lạc hậu vẫn là phổ biến. Kinh tế Việt Nam bị cột chặt vào kinh tế Pháp, là thị trường độc chiếm của tư bản Pháp.
Câu 2: Từ năm 1919 đến năm 2000, lịch sử Việt Nam đã trải qua những thời kì nào? Khái quát nội dung chính của thời kì lịch sử diễn ra sự kiện quân và dân ta đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp.
Từ năm 1919 đến năm 2000, lịch sử Việt Nam đã trải qua 5 thời kì: 1919 - 1930; 1930 - 1945; 1945 - 1954; 1954 - 1975; 1975 - 2000.
- Thời kì 1945 - 1954 (từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đến ngày 21 - 7 - 1954), là thời kì diễn ra sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của Pháp.
- Sau Cách mạng tháng Tám, tình hình đất nước gặp muôn vàn khó khăn. Nhân dân ta vừa xây dựng chính quyền cách mạng, giải quyết các khó khăn, vừa phải đấu tranh chống ngoại xâm, nội phản và từ cuối năm 1946 chống thực dân Pháp mở rộng xâm lược.
- Kháng chiến và kiến quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), trong đó, nhiệm vụ kháng chiến được đánh dấu bằng những chiến thắng tiêu biểu như Việt Bắc 1947, Biên giới 1950, Đông - Xuân 1953 - 1954, Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ 1954.
Câu 3: Cuối tháng 3 - 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên những cơ sở nào? Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh (4 - 1975).
Quyết định của Bộ Chính trị
- Sau thắng lợi của hai chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị quyết định: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kĩ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa (trước tháng 5 - 1975)”. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Cơ sở đề ra quyết định đó
- Cuối năm 1974 - đầu năm 1975, Bộ Chính trị nhấn mạnh “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Sau chiến dịch Tây Nguyên, cuộc kháng chiến của ta đã chuyển sang giai đoạn mới: Từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên sang Tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.
- Nắm bắt thời cơ chiến lược đến nhanh, Bộ Chính trị có quyết định kịp thời kế hoạch giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam... Sau chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”.
Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh
- Ngày 26 - 4, quân ta được lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch. Năm cánh quân vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng
- Ngày 30 - 4, quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các Sài Gòn.Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng không điều kiện
- 11 giờ 30 phút ngày 30 - 4, chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, tạo điều kiện để quân dân các tỉnh còn lại tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.
PHẦN RIÊNG (3,0 điểm)
Câu 4a. Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kì Chiến tranh lạnh. Từ năm 1947 đến năm 1952
- Nhật Bản chủ trương liên minh chặt chẽ với Mĩ bằng việc kí hai hiệp ước: Hiệp ước hòa bình Xan Phranxixcô và Hiệp ước an ninh Mĩ - Nhật (tháng 9 - 1951).
- Theo các hiệp ước đó, Nhật Bản chấp nhận đứng dưới “chiếc ô” bảo hộ hạt nhân của Mĩ, để cho Mĩ đóng quân và xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản.
Từ năm 1952 đến năm 1973 - Nhật Bản tiếp tục liên minh chặt chẽ với Mĩ. Hiệp ước an ninh Mĩ -Nhật được kéo dài vĩnh viễn.
- Năm 1956, Nhật Bản đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Liên Xô và tham gia Liên hợp quốc
Từ năm 1973 đến năm 1989
- Với tiềm lực kinh tế tài chính ngày càng lớn mạnh, Nhật Bản bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới, thể hiện qua học thuyết Phucưđa (1977).
- Nội dung chủ yếu của học thuyết đó là tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với các nước Đông Nam Á và tổ chức ASEAN. Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam tháng 9 - 1973.
Câu 4b: Từ năm 1950 đến năm 2000, vị thế ngày càng nâng cao trên trường quốc tế của Ấn Độ được thể hiện như thế nào trên lĩnh vực kinh tế, khoa học – kĩ thuật và chính sách đối ngoại ?
Trên lĩnh vực kinh tế, khoa học - kĩ thuật:
- Nông nghiệp: Nhờ thành tựu của cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp, từ giữa những năm 70 của thế kỉ XX, Ấn Độ đã tự túc lương thực cho gần 1 tỉ người và có xuất khẩu
- Công nghiệp: Sản xuất công nghiệp tăng, đặc biệt là công nghiệp nặng. Cơ sở hạ tầng được xây dựng ngày càng hiện đại
- Công nghệ: Trong ba thập niên cuối thế kỉ XX, Ấn Độ đầu tư nhiều vào lĩnh vực công nghệ cao, trước hết là công nghệ thông tin và viễn thông, cố gắng vươn lên hàng các cường quốc về công nghệ phần mềm, công nghệ hạt nhân, công nghệ vũ trụ...
- Khoa học - kĩ thuật: Từ những năm 90, Ấn Độ thực hiện “cách mạng chất xám”, trở thành một trong những quốc gia sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới. Các lĩnh vực khoa học - kĩ thuật khác cũng có những bước tiến nhanh chóng.
Về chính sách đối ngoại:
- Ấn Độ thi hành chính sách hòa bình, trung lập tích cực, ủng hộ các cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc. Ấn Độ là một trong những nước sáng lập Phong trào không liên kết. Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, trong đó có Việt Nam
Tóm lại, từ năm 1950, Ấn Độ đã thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn, đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học - kĩ thuật, đối ngoại, đã từng bước nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.
Xem thêm: Đáp án chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo các môn thi khác kỳ thi THPT Quốc gia năm 2012 |
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.