Sau vài năm bùng nổ tuyển dụng và lương thưởng, thị trường nhân sự IT giờ đảo chiều với tỷ lệ mất việc cao, phúc lợi giảm, tuyển mới ít.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh, tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia và được tư vấn tuyển sinh miễn phí. |
Gần 3 năm qua, Quang Vũ - một quản lý về công nghệ thông tin (IT), với mức lương 50-100 triệu mỗi tháng - đã đổi việc 4 lần. Rời một sàn thương mại điện tử lớn, anh gia nhập đội ngũ phát triển kinh doanh online cho thương hiệu đồ gia dụng châu Âu được 4 tháng. Sau đó, anh chuyển sang dự án dịch vụ mua trước trả sau của một công ty công nghệ lớn tại TP HCM.
Đến tháng 7, dự án bị đóng cửa vì công ty không muốn tiếp tục "đốt tiền" khi các hội nhóm "bùng tiền" nổi lên mạnh mẽ. Gần đây, anh đầu quân cho startup về du lịch trực tuyến.
"Bạn bè tôi làm IT ở các nền tảng thương mại điện tử, ví điện tử, ứng dụng giao hàng đều đang chứng kiến các đợt tái cấu trúc nội bộ", Quang Vũ nói. Theo anh, hầu hết cuộc biến động nhân sự không được công bố ra bên ngoài, một công khai hiếm hoi gần đây là Baemin Việt Nam xác nhận "thu gọn quy mô hoạt động".
Trong khi đó, Đinh Ngô - làm việc cho nhánh công nghệ thông tin của một tập đoàn Đức - nói công ty không cắt giảm nhân sự nhưng đóng băng tuyển dụng các vị trí không cần thiết và có thể không ký tiếp hợp đồng lao động hết hạn. "Các vị trí có ít dự án, không tạo được lợi nhuận thì tạm ngưng", anh kể.
Theo mạng tuyển dụng TopDev (nền tảng tuyển dụng và việc làm dành riêng trong lĩnh vực IT, sở hữu 300.000 hồ sơ lập trình viên), Việt Nam có khoảng nửa triệu nhân sự công nghệ thông tin. Đội ngũ này phân bổ trong 3 nhóm: doanh nghiệp không thuộc công nghệ nhưng cần một số IT; doanh nghiệp của nhiều ngành công nghệ khác nhau; và doanh nghiệp chuyên công nghệ thông tin - chủ yếu là gia công phần mềm hoặc cung ứng dịch vụ phần mềm.
Báo cáo của VietnamWorks inTECH cho biết năm nay, 3 nhóm trên đều thu hẹp quy mô, giảm ngân sách tuyển dụng IT. Chỉ 61,3% nhân sự trong công ty công nghệ ổn định công việc, và vẫn cao hơn mức 45,6% tại các công ty gia công phần mềm. Ở nhóm doanh nghiệp không công nghệ, 21,6% IT tự thôi việc.
Doanh nghiệp ở TP HCM có tỷ lệ cắt giảm nhân sự ngành này cao nhất (22,2%), trong khi 14,7% doanh nghiệp ở Hà Nội giảm lương, thưởng. Những công ty dưới 100 người sa thải nhiều nhất.
Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi Talentnet - Mercer 2023 cũng ghi nhận xu hướng đảo chiều sau giai đoạn bùng nổ tuyển dụng IT. Cụ thể, công nghệ thông tin là một trong 3 ngành giảm nhân sự nhanh nhất 3 năm qua, với mức 23%.
Quản lý lâu năm làm việc ở một doanh nghiệp có trụ sở tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cũng cho biết việc cắt giảm nhân sự có diễn ra trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin ở TP HCM nhưng không có làn sóng sa thải hàng loạt như tại Mỹ. "Chủ yếu là cho nghỉ những nhân sự yếu kém, chứ nhân sự làm tốt vẫn duy trì", ông nói.
Vì sao 2023 trở thành năm mất việc của nhiều IT? Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế bất lợi khiến mục tiêu kinh doanh và sống còn đang được quan tâm hơn là chuyển đổi số. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu IT trong các công ty không công nghệ mà cả công ty chuyên công nghệ thông tin vì ít dự án hoặc dự án quy mô nhỏ hơn từ các khách hàng doanh nghiệp.
Ông Cái Đăng Sơn, Giám đốc bộ phận phát triển Sản phẩm & Kỹ thuật, Navigos Group nói trong giai đoạn kinh tế ổn định, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp IT gần như bùng nổ để phục vụ tăng trưởng. "Tuy nhiên ở thời điểm này, khi Việt Nam bị các yếu tố kinh tế tác động, các doanh nghiệp thu hẹp nhu cầu và ngân sách tuyển dụng", ông nói.
Đó là chưa kể hơn 135.000 doanh nghiệp nói chung rút khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm. Dù lượng thành lập mới cao hơn số này nhưng xu hướng tối giản nhân sự khiến nhu cầu tuyển IT không lớn. Báo cáo của Talentnet lý giải IT giảm 3 năm qua chủ yếu do đặc thù thị trường "liên tục tinh gọn để đạt hiệu quả cao hơn hoặc do xu hướng thuê ngoài".
Lao động trong ngành cho rằng, riêng nhóm công ty có yếu tố công nghệ chứng kiến những đợt sa thải mạnh nhất. Từ thương mại điện tử, các ứng dụng gọi dịch vụ, công nghệ tài chính đến công nghệ bất động sản, y tế, giáo dục đều giảm người. Một nền tảng y tế từ xa gần đây vừa đồng thời giảm lương và sa thải nhân viên IT.
Riêng giới startup, đặc biệt liên quan đến blockchain đang chật vật vì "mùa đông gọi vốn" lẫn "mùa đông tiền số", khiến nhiều IT mất việc. Theo báo cáo của nền tảng theo dõi dữ liệu Tracxn, vốn đổ vào các startup công nghệ tại Việt Nam nửa đầu năm nay đã giảm đến 82%, từ 372 triệu USD của cùng kỳ 2022 còn 66 triệu USD.
Tùng Lâm, từng làm phụ trách phát triển sản phẩm (Product Management) cho một dự án được 7 tháng trước khi nghỉ việc nửa năm qua, cho rằng giai đoạn bùng nổ của các sản phẩm liên quan đến blockchain như tiền số, NFT, GameFi giúp nhiều startup tăng trưởng nóng, tuyển người ồ ạt.
"Nhưng sau các cú sập sàn tiền số, họ giải thể nhanh chóng, do mất nguồn đầu tư trong khi chưa kịp có doanh thu, hoặc giá trị đồng tiền số giảm đột ngột", anh nói. Thị trường NFT và GameFi gần đây cũng hạ nhiệt khi tâm điểm chú ý ít nhiều đổ sang trí tuệ nhân tạo (AI).
Thời gian tới, nhu cầu tuyển mới IT vẫn duy trì nhưng "cuộc chiến" xin việc dự báo căng thẳng. "So với giai đoạn trước Covid, số lượng cũng như độ đa dạng công việc giảm đi rõ rệt", Tùng Lâm - đang quay lại tìm việc - nhận xét.
Khảo sát của VietnamWorks cho hay 25,7% nhân sự công nghệ thông tin đang thấy khó khăn khi tìm việc. Hai lý do chính là không có nhiều vị trí để ứng tuyển và tỉ lệ chọi ứng viên cao. Chuyên gia làm việc tại QTSC cho hay các công ty giờ rất ít hoặc hầu như không tuyển "fresher" (sinh viên mới ra trường).
"Doanh nghiệp vẫn tuyển senior (nhân sự có kinh nghiệm) khi có nhu cầu nhưng tìm cũng không dễ, và dĩ nhiên không 'hét' lương trên trời như trước", ông nói. Ông Cái Đăng Sơn nói người tìm việc giờ cũng đã bắt đầu hạ thấp kỳ vọng về mức lương, phúc lợi, và môi trường làm việc.
VietnamWorks cho hay các doanh nghiệp không thuộc ngành công nghệ dự kiến tuyển khoảng dưới 30 nhân sự IT thời gian tới. Các công ty gia công phần mềm tiếp tục tuyển theo từng dự án, khoảng từ 50-100 người. Dù vậy, lao động giờ phải có nhiều kỹ năng, đảm đương nhiều trách nhiệm hơn, theo ông Sơn.
Tùng Lâm rút ra kinh nghiệm rằng nếu muốn tiếp tục theo đuổi nghề IT thì ngay cả khi chưa có việc vẫn phải tiếp tục học các công cụ, ngôn ngữ lập trình mới vì ngành này thay đổi nhanh. Đồng thời kỹ năng mềm như ngoại ngữ, giao tiếp sẽ là lợi thế trong điều kiện tuyển dụng đòi hỏi người đa năng.
Ngoài ra, theo anh lời rao "thời gian linh động" có thể đồng nghĩa có thời điểm phải làm việc nhiều hơn 8 tiếng một ngày. "Nên tìm hiểu rõ về văn hóa của công ty về làm ngoài giờ, quy trình khi có sự cố để đánh giá xem có phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn hay không", anh nói.
Xem thêm: |
Theo Vnexpress
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.