Ít nhất gần 4.000 sinh viên ở ba đại học sư phạm chưa nhận được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí nửa năm qua, với hơn 350 tỷ đồng, do vướng mắc về chính sách.
Like và Theo dõi Fanpage Tuyển sinh số (https://www.facebook.com/tuyensinhso/) để cập nhật thêm nhiều tin tức tuyển sinh và tài liệu ôn thi học kì, ôn thi THPT quốc gia. |
Hà Thanh là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trúng tuyển vào trường năm ngoái, Thanh và gia đình đã ký cam kết làm trong ngành giáo dục 8 năm để được miễn học phí và nhận hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng sinh hoạt phí từ ngân sách, theo Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ.
"Đây cũng là điểm thu hút em đăng ký vào trường Sư phạm bởi gia đình không có điều kiện", Thanh nói. Tuy nhiên, sau đợt chi trả cho học kỳ I năm thứ nhất vào sát Tết Nguyên đán năm ngoái, Thanh chưa nhận được thêm khoản hỗ trợ nào.
Hồ Quân, sinh viên năm thứ hai ngành Sư phạm Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP HCM và nhiều sinh viên khác của Đại học Sài Gòn phản ánh tương tự.
"Chúng em nhiều lần hỏi trường nhưng trường cũng nói đợi kinh phí từ cấp trên, không biết khi nào mới được chi trả", Quân nói, cho rằng việc này khiến em và nhiều bạn bè chật vật vì không có tiền sinh hoạt.
Bảy tháng chưa nhận được hỗ trợ, gia đình Quân và Thanh phải xoay xở vay mượn. Thanh còn phải làm thêm để có thu nhập đóng học phí và trang trải sinh hoạt.
Theo các trường, nguyên nhân tình trạng này do việc "đặt hàng" đào tạo theo Nghị định 116 từ các địa phương và phân bổ kinh phí còn nhiều vướng mắc.
Theo Nghị định 116, từ năm 2021, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 100% tiền đóng học phí cùng 3,63 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt. Kinh phí này từ ngân sách của các địa phương, bộ, ngành, thông qua hình thức đặt hàng với các trường. Số chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Thực tế, dù tỉnh nào cũng kêu thiếu, nhưng hồi tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chỉ có 23/63 địa phương "đặt hàng" đào tạo giáo viên, tỷ lệ sinh viên được hỗ trợ qua diện này chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Hơn 75% số còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các địa phương không mặn mà "đặt hàng" do chính sách này quy định sinh viên sau khi tốt nghiệp phải công tác trong ngành giáo dục, nếu không phải bồi hoàn kinh phí. Tuy nhiên, không có cơ chế ràng buộc nào giữa các thí sinh này với địa phương chi tiền hỗ trợ. Ngoài ra, kể cả quay về, sinh viên vẫn phải thi tuyển viên chức theo các quy định của Bộ Nội vụ và chưa chắc trúng tuyển.
Đại diện Đại học Sài Gòn cho biết có gần 1.600 sinh viên trong ba khóa đăng ký hưởng chính sách theo Nghị định 116. Ở mỗi khóa, trường đều gửi thông tin đến UBND, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành nhưng hầu hết không phản hồi.
Hiếm hoi, năm 2021, chỉ Long An và Ninh Thuận thông báo đặt hàng 34 sinh viên. Các em này đã được chi trả học phí và sinh hoạt phí đợt 1 và sắp được trả đợt 2. Với số còn lại, nhà trường gửi đơn vị chủ quản là UBND TP HCM, đề nghị giải quyết hỗ trợ song chưa có kết quả.
"Cả ba năm qua, chúng tôi đều làm đúng quy trình nhưng hiện hơn 1.500 sinh viên chưa được nhận hỗ trợ", đại diện Đại học Sài Gòn nói. Theo tính toán của trường, số tiền sinh hoạt phí 4 năm học cho các sinh viên này lên tới hơn 223 tỷ đồng, còn học phí là hơn 70 tỷ đồng.
Là trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Sư phạm TP HCM cho biết khoảng 2.450 sinh viên khóa 2021 và 2022 cũng chưa được nhận 6, 7 tháng tiền hỗ trợ sinh hoạt phí. Tổng số tiền là gần 60 tỷ đồng.
Đại học Sư phạm Hà Nội không thông tin cụ thể số tiền chưa được chi trả. Tuy nhiên, sinh viên cũng bị nợ học phí từ học kỳ II của năm ngoái đến nay.
Theo các trường, có địa phương đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí hoặc mới chi trả một phần rất nhỏ. Với những trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên luôn bị cấp kinh phí chậm so với kế hoạch đào tạo.
Hiện, các trường làm nhiều cách để hỗ trợ sinh viên. Như tại Đại học Sài Gòn, trường hoãn thu học phí để các em giảm bớt áp lực, đồng thời tiếp tục đề xuất đến cơ quan chủ quản.
"Việc này cũng gây áp lực lên ngân sách của trường", đại diện nhà trường nói.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết phải làm công tác tư tưởng, động viên sinh viên qua nhiều kênh để các em chia sẻ với khó khăn chung.
"Với sinh viên diện chính sách, đặc biệt khó khăn, nhà trường sử dụng nguồn lực ít ỏi để hỗ trợ trước một phần", ông Minh nói. Trường Đại học Quy Nhơn cũng nói đang tạm ứng kinh phí để chi trả một phần hỗ trợ cho sinh viên.
Theo ông Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết có thể rót kinh phí hỗ trợ vào tuần tới. Khi có tiền, trường sẽ lập tức chi trả cho sinh viên. Đại học Sư phạm TP HCM cũng chuẩn bị sẵn các quyết định hỗ trợ để chi trả ngay khi kinh phí rót về.
Xem thêm: |
Theo Vnexpress
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.