Được đưa vào sử dụng từ giữa tháng 9, khu ẩm thực khang trang của Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM, là nơi phục vụ nhu cầu ăn uống cho sinh viên và giảng viên.
Được khởi công xây dựng từ khoảng cuối tháng 6 đến ngày 17/9, khu ẩm thực (foodcourt) của Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) vừa được đưa vào hoạt động, phục vụ nhu cầu ăn uống của sinh viên và cán bộ công nhân viên nhà trường.
Khu foodcourt được đặt tại tầng G của trụ sở trường HIU, quận Bình Thạnh, bao gồm một tầng trệt, một tầng lửng, với tổng diện tích sử dụng 1.080 m2.
Trong đó, tầng trệt có diện tích sử dụng 620 m2, với sức chứa khoảng 362 chỗ ngồi. Tầng lửng là 460 m2, sức chứa 324 chỗ ngồi.
Ngoài các dãy bàn ghế, khu vực tầng trệt còn có 8 quầy hàng, bán đồ ăn uống, mỗi quầy có diện tích sử dụng 20 m2. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, hiện tại, 6 quầy hàng được đưa vào sử dụng, 2 quầy đang bỏ trống.
Các quầy hàng góp mặt tại khu foodcourt đến từ những thương hiệu ẩm thực bình dân đến cao cấp, bao gồm các món cơm, phở, bún, cà phê, trà sữa, nước giải khát... Mức giá dao động từ 20.000 đến 50.000 đồng/phần. Theo chia sẻ từ nhà trường, các thương hiệu sẽ thuê quầy hàng tại đây với mức phí cố định và nhà trường ưu tiên những món ăn, thức uống hợp thị hiếu của sinh viên, giá cả phải chăng, cũng như đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khu foodcourt còn có quầy hàng chuyên món ăn Hàn Quốc, được chế biến cầu kỳ, với giá cả nhỉnh hơn mặt bằng chung các món ăn khác, đáp ứng nhu cầu đa dạng của sinh viên.
Sinh viên có thể mua thẻ thanh toán điện tử tại quầy thu ngân với các mệnh giá: 50.000 đồng, 100.000 đồng, 150.000 đồng.
Khi sử dụng thẻ thanh toán này tại các quầy hàng, tiền thừa vẫn được giữ nguyên trong thẻ để sử dụng cho lần sau. Đây là mô hình quen thuộc tại các khu foodcourt lớn tại Việt Nam và trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, trong giai đoạn đầu, sinh viên tại trường vẫn ưa chuộng hình thức thanh toán bằng tiền mặt ngay tại quầy.
Không gian khu foodcourt được trang bị máy lạnh, không gian có những mảng xanh, tạo cảm giác thư giãn, thoải mái cho sinh viên và cán bộ công nhân viên sau những giờ phút học tập, làm việc căng thẳng.
Nhiều nhóm sinh viên tại trường chọn nơi đây làm chỗ học nhóm. Châu Thanh Trúc (sinh viên năm nhất, khoa Logistic) chia sẻ: "Chỗ này mát mẻ và sạch sẽ nên chúng mình chọn làm nơi họp nhóm thuyết trình sau khi ăn trưa luôn, rất tiện".
Nguyễn Thị Khánh Ngọc (sinh viên năm thứ hai, khoa Kế toán) cho biết: "Một phần cơm được bán với giá 30.000 đồng, với các món canh, mặn, xào, với mình là hợp lý, so với các bạn ở trường khác phải đi bộ ra khỏi trường, đội nắng đi ăn."
Với mô hình foodcourt, khách hàng sau khi dùng bữa xong sẽ tự dọn các khay, chén, đĩa của mình đến quầy phân loại rác và thức ăn thừa. Nguyễn Phước Quý Ngọc (sinh viên năm thứ tư, khoa Hàn Quốc học) nói khu foodcourt sạch đẹp, nhưng còn hơi ít sự lựa chọn món ăn. Ngọc hy vọng rằng trong tương lai, nhà trường sẽ cho bổ sung nhiều quầy hàng hơn.
Cũng theo lãnh đạo nhà trường, việc đưa vào vận hành khu foodcourt với nhiều tiện ích nhằm mang đến cho không chỉ sinh viên nhà trường, mà còn cả người dân sinh sống ở khu vực lân cận một địa chỉ ẩm thực tin cậy, rộng rãi, thoáng mát.
Nguồn theo Zing
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.