CỔNG THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG LỚN NHẤT VIỆT NAM

Cần bao nhiêu tiền để học nghề phi công và thu nhập của phi công ở Việt Nam là bao nhiêu?

Cập nhật: 16/10/2019 icon

Lương khởi điểm hấp dẫn, nhu cầu lớn thế nhưng việc tuyển dụng phi công ở Việt Nam vẫn không dễ dàng. Một phần lý do nằm ở mức chi phí đào tạo đắt đỏ, không dưới 4 tỷ đồng.

244.000 là số lượng phi công mới mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần trong 20 năm tới, theo dự báo mới nhất do Boeing công bố ngày đầu tháng 9. Con số này tương ứng với hơn 17.000 máy bay mới được bàn giao cho khu vực này.

Nhu cầu lớn, thu nhập hấp dẫn

Tại Việt Nam, Cục Hàng không từng ước tính số máy bay của các hãng hàng không Việt sẽ tăng từ 222 chiếc hiện tại lên khoảng hơn 360 chiếc vào năm 2023.

Dựa theo tính toán của Boeing với mỗi tàu bay mới cần khoảng 14 phi công để khai thác, Việt Nam sẽ cần thêm hơn 1.900 phi công đến năm 2023, tương đương hơn 400 phi công mỗi năm. Trong giai đoạn hàng không Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và nhiều hãng hàng không đang chờ cất cánh, nhu cầu phi công của các hãng bay lại càng lớn.

Phi công cũng là ngành có mức thu nhập hấp dẫn tại Việt Nam. Một số nguồn tin của Zing.vn cho biết mức thu nhập khởi điểm thấp nhất của phi công làm việc tại các hãng hàng không Việt Nam không dưới 70 triệu đồng/tháng. Đây chỉ là con số ban đầu và sẽ tăng lên theo thời gian.

Bỏ ra chi phí lớn để theo học nhưng nghề phi công nhận lại thu nhập tương xứng. Ảnh: Hoàng Hà.

Bản cáo bạch của Vietnam Airlines cho biết mức lương trung bình của phi công Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam là 132,5 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 1,6 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, lần gần nhất Vietjet Air công bố thu nhập phi công là vào năm 2017. Báo cáo thường niên của Vietjet khi đó cho hay thu nhập trung bình của phi công là 180 triệu đồng/tháng, tương ứng khoảng 2,2 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, mức thu nhập của phi công lái các dòng máy bay thân rộng như Boeing 787 hay Airbus A350 cao hơn nhiều những đồng nghiệp lái các dòng tàu bay thân hẹp Airbus A320, Boeing 737.

Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo Bay Việt, từng kể với Zing.vn có những hãng Trung Quốc hiện mời chào phi công lái Boeing 787 và A350 với mức lương tới 25.000 USD/tháng (580 triệu đồng/tháng). Thậm chí có những hãng mời chào nếu phi công ký hợp đồng 3 năm, họ sẽ trả trọn gói một lần 1 triệu USD hoặc hợp đồng 5 năm là 2 triệu USD.

Không dưới 4 tỷ để theo đuổi nghề phi công

Để trở thành một phi công lái tàu bay thương mại, học viên sẽ trải qua quá trình huấn luyện cơ bản và huấn luyện sau cơ bản gồm huấn luyện chuyển loại, huấn luyện Base và IOE (Initial Operating Experience).

Công ty Cổ phần Đào tạo Bay Việt (công ty con của Vietnam Airlines) hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Cục Hàng không phê chuẩn và tổ chức huấn luyện phi công cơ bản với một số giai đoạn đào tạo trong nước. Số học viên do Bay Việt đào tạo khoảng 100 người mỗi năm.

Chi phí đào tạo một học viên phi công cơ bản tại trường Bay Việt khoảng 1,8 tỷ đồng trong khoảng thời gian 18-20 tháng. Chương trình đào tạo được chia làm 3 giai đoạn bao gồm huấn luyện lý thuyết ATP dài 24 tuần (trong nước), huấn luyện bay dài 44 - 52 tuần (ở Mỹ, Australia, New Zealand, châu Âu) và huấn luyện phối hợp tổ bay MCC dài 3 tuần (trong nước).

Trong đó, giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài chiếm nhiều chi phí nhất khoảng 57.000 USD-65.000 USD (1,3-1,6 tỷ đồng). Học phí của giai đoạn huấn luyện lý thuyết là 134 triệu đồng còn huấn luyện phối hợp tổ bay từ 99 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ mới là con số lý tưởng trong trường hợp quá trình học của học viên suôn sẻ, không phải đóng thêm học phí cho những phân môn phải học lại.

Với tốc độ phát triển "nóng" của ngành hàng không Việt Nam, các hãng bay đang "khát" phi công. Ảnh: Quỳnh Danh.

Gia Huy (24 tuổi), một học viên vừa hoàn thành chương trình huấn luyện bay tại Mỹ, chia sẻ phải đóng thêm hơn 10% học phí dự kiến cho thời gian huấn luyện bay bổ sung. Huy cho biết chi phí học bay trên máy bay một động cơ tại trường Aviator College của mình khoảng 250 USD mỗi giờ còn máy bay hai động cơ là 350-450 USD.

"Trước khi thực hiện chuyến bay đơn đầu tiên, giáo viên sẽ kèm đến khi nào thấy học viên đủ vững để bay một mình. Nếu thấy chưa được, giáo viên sẽ yêu cầu học viên bay thêm giờ cùng. Khi đó, chi phí học cũng tăng thêm. Nhiều bạn học chung với mình đều phải thêm giờ học bay", Huy chia sẻ.

Theo các học viên, ngoài khả năng bay của từng người, thời tiết cũng là một nguyên nhân khiến thời gian học bay chậm hơn dự kiến. Nếu gặp thời tiết xấu, máy bay không thể cất cánh, thời gian huấn luyện bay sẽ dài hơn và khi đó học viên cũng phát sinh thêm chi phí ăn ở tại nước ngoài.

Trong khi đó, Vinpearl Air School của tập đoàn Vingroup vừa công bố tuyển sinh 400 phi công khóa 1. Số học viên này sẽ được Vinpearl Air gửi đi đào tạo cơ bản tại các học viện phi công ở Mỹ (Aviator College) hoặc Úc (AAPA). Vinpearl Air không tiết lộ mức học phí cụ thể, chỉ cho biết mức hỗ trợ học phí tối đa lên đến 50.000 USD/người.

Sau khi tốt nghiệp chương trình huấn luyện cơ bản, nếu muốn trở thành phi công lái tàu bay thương mại, học viên sẽ tiếp tục huấn luyện chuyển loại, huấn luyện Base và IOE. Việc huấn luyện sau cơ bản diễn ra tại các hãng hàng không với chi phí không dưới 1,5 tỷ đồng/người.

Như vậy, nếu tính thêm các chi phí đi lại, ăn ở, huấn luyện thêm trong thời gian học bay tại nước ngoài, một học viên sẽ cần đầu tư khoảng 4 tỷ đồng để trở thành phi công dân dụng.

Theo website collegeboarg.org, chi phí trung bình cho việc du học ở các trường đại học tư thục Mỹ khoảng gần 50.000 USD/năm. Theo con số này, tổng chi phí cho việc theo học đại học tại Mỹ khoảng gần 200.000 USD (4,6 tỷ đồng) cho 4 năm, tương đương với chi phí nếu theo học phi công.

Một phụ huynh (xin giấu tên) có con trai đang là phi công tại Vietnam Airlines cho biết chi phí đào tạo này tương đương khoản gia đình ông bỏ ra để cho cậu con trai còn lại du học ngành quản trị kinh doanh ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp về nước, mức thu nhập khởi điểm của cậu con trai kia chỉ hơn 20 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều nếu so với anh trai phi công.

Xem thêm: 

Nguồn theo Zing

Tin tức liên quan

List các câu nói truyền động lực học tập cho học sinh - sinh viên 00:34 03/11/2024 Nếu bạn đang mệt mỏi, chán nản, nếu bạn đang cảm thấy mất phương hướng hay không có động lực... Kinh nghiệm học tốt các môn đại cương, giúp sinh viên qua môn dễ dàng 15:16 29/08/2019 Các môn đại cương thường khiến nhiều sinh viên năm nhất sợ sệt tuy nhiên đây lại là những môn bắt... Lưu ý vàng để sinh viên trải qua kỳ học quân sự hiệu quả 18:27 10/10/2024 Trường ĐH nào cũng sẽ yêu cầu sinh viên học quân sự. Tùy từng trường mà sinh viên sẽ học ngay tại... 7 sai lầm khiến sinh viên dễ lâm vào cảnh cháy túi, nợ nần 17:47 05/10/2022 Sinh viên năm nhất khi mới vào ĐH, lần đầu tiên sống xa gia đình nên thường mắc không ít sai lầm... Lộ trình 4 năm Đại học cho sinh viên 16:08 20/09/2023 Bốn năm Đại học là quãng thời gian rất quan trọng để bạn trau dồi bản thân cũng như các kỹ năng.... Điều kiện để sinh viên có thể tốt nghiệp Đại học sớm 11:53 14/11/2022 Hiện nay, đa số các trường đại học tổ chức chương trình học theo hình thức đăng ký tín chỉ cho... 5 bí quyết vàng giúp đạt điểm cao môn Triết học 17:10 07/10/2023 Đa số sinh viên lại đánh giá Triết là môn khó nhất và dưới đây là 5 bí quyết đạt điểm cao môn...

Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước. 

Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.

Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.

 
Hợp tác truyền thông
DMCA.com Protection Status
Giới thiệu | Bản quyền thông tin | Chính sách bảo mật