Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT đã chia sẻ và giải thích với báo chí cụ thể hơn những điểm mới và giải pháp được tăng cường trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay nhằm tránh được những sai phạm đã từng xảy ra.
Ông Trinh cho biết: “Gian lận của kỳ thi đều có thể xảy ra ở tất cả các khâu, do đó trong tất cả các khâu của kỳ thi năm nay chúng tôi đều có các giải pháp để tăng cường, điều chỉnh nhỏ”.
Thứ nhất, trong khâu sắp xếp phòng thi, dự thảo quy chế nêu rõ, tại mỗi hội đồng thi sẽ chọn ra một số điểm thi để dành cho thí sinh (TS) tự do thi cùng với TS là học sinh lớp 12 và học sinh GDTX. Ở các điểm thi đó, tất cả các TS này đều được trộn lẫn theo vần ABC và sắp xếp theo sự trợ giúp của máy tính.
Ở khâu in sao đề thi, tiếp tục tăng cường các giải pháp như: phụ trách khu in sao đề thi sẽ là đại diện lãnh đạo sở GD-ĐT và khu vực này phải là khu vực cách ly, được tổ chức thành 3 vòng độc lập. Đặc biệt, năm nay chúng tôi nhấn mạnh khâu lựa chọn nhân sự tham gia vào khâu in sao đề thi.
Khâu vận chuyển đề thi và bài thi, dự thảo quy chế thi năm nay nói rất rõ về trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh việc vận chuyển đề thi, bài thi phải luôn luôn có sự giám sát của đại diện cơ quan công an.
Khâu coi thi, điều chỉnh nhấn mạnh tới việc tăng cường giám sát và thanh tra khu vực tổ chức thi theo hướng thực chất hơn, đặc biệt năm nay việc niêm phong túi đựng bài thi sẽ được quy định chi tiết hơn. Cụ thể, sẽ sử dụng một loại tem niêm phong chung theo mẫu, dùng bằng vật liệu dễ rách và trên tem niêm phong phải có chữ ký của cán bộ coi thi thứ nhất, cán bộ coi thi thứ hai và của phó trưởng điểm thi đến từ các trường ĐH, CĐ. Sau khi dán tem niêm phong lên túi đựng bài thi thì phải phủ keo dính trong lên tem niêm phong để đảm bảo mọi can thiệp lên đó đều bị phát hiện.
Địa điểm lưu trữ đề thi, bài thi phải có camera giám sát 24/24, trong đó quy định kỹ về quy cách niêm phong, ký trên niêm phong như thế nào, việc mở để lấy đề hoặc đưa bài vào ra sao; phòng lưu trữ đề thi, bài thi phải có công an giám sát 24/24 giờ và việc ngủ tại điểm lưu trữ này sẽ do phó trưởng điểm thi hoặc thư ký điểm thi là cán bộ đến từ các trường ĐH sẽ trực tiếp ở đó.
Khâu chấm thi, trong dự thảo quy chế quy định, khu vực chấm thi cả tự luận và trắc nghiệm cũng đều có camera giám sát 24/24 giờ. Một điều chỉnh lớn là năm nay sẽ giao cho các trường ĐH đủ năng lực trực tiếp chấm bài thi trắc nghiệm. Quy trình chấm trắc nghiệm cũng sẽ có những điều chỉnh rõ ràng, chi tiết hơn.
Chấm kiểm tra những bài điểm cao
Các giải pháp có vẻ tăng cường vào khâu chấm thi trắc nghiệm, trong khi việc chấm bài thi tự luận, cụ thể là môn ngữ văn, vẫn do các địa phương thực hiện. Vậy có thay đổi nào để đảm bảo chấm thi tự luận sẽ được tiến hành nghiêm túc, thưa ông?
Việc chấm bài thi tự luận được quy định rõ hơn. Ở khâu đánh phách với bài thi môn ngữ văn sẽ quy định rất rõ việc cách ly trong suốt thời gian diễn ra làm phách. Đặc biệt trong quá trình chấm thi tự luận vẫn tiến hành chấm kiểm tra ít nhất 5% số bài thi, nhưng bổ sung quy định mới là ngoài việc chấm kiểm tra ngẫu nhiên như các năm trước thì năm nay những bài điểm cao sẽ được chấm kiểm tra để kịp thời phát hiện gian lận (nếu có).
Năm 2018, dù có sự giám sát của cán bộ đến từ các trường ĐH nhưng đã xảy ra trường hợp chính cán bộ ở trường ĐH địa phương được Bộ điều động làm thanh tra thi lại vi phạm quy chế thi. Vậy năm nay việc điều động các trường ĐH địa phương tham gia giám sát kỳ thi này còn tiếp tục hay không?
Năm nay chúng tôi sẽ quy định rất rõ trong quy chế là các trường ĐH địa phương sẽ không tham gia làm công tác tổ chức kỳ thi tại địa phương mình. Đây là điều chỉnh khá lớn so với các năm trước.
Trong các giải pháp tăng cường giám sát kỳ thi này chặt chẽ hơn, vì sao không có phương án lắp camera giám sát phòng thi trong quá trình kỳ thi diễn ra?
Đây cũng là giải pháp được chúng tôi tính đến và cân nhắc từ lâu. Tuy nhiên, như tôi đã nói, điều quan trọng nhất vẫn là con người thực hiện. Nếu mỗi phòng thi hai giám thị được giao nhiệm vụ làm tốt vai trò, trách nhiệm giám sát của mình thì sẽ ngăn chặn được các hành vi gian lận thi cử của TS. Bên cạnh đó, việc sử dụng camera trong phòng thi cũng còn liên quan đến nhiều yếu tố khác cần cân nhắc rất kỹ như: tác động đến tâm lý làm bài của TS hoặc có thể làm lộ, lọt đề thi ra ngoài... Do đó, đây vẫn là giải pháp cần tiếp tục xem xét nên trong năm nay chúng tôi chưa đặt vấn đề lắp camera tại phòng thi khi chúng ta vẫn còn thi trên giấy.
Cách thức ra đề chính thức như đề tham khảo ? Ông Trinh cho biết đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các nhà trường, giáo viên và học sinh về đề tham khảo. Phần lớn các ý kiến đều ủng hộ cách thức ra đề của đề tham khảo. Đặc biệt, các ý kiến của học sinh và giáo viên bày tỏ mong muốn cách thức và mức độ của đề thi chính thức đảm bảo được như đề tham khảo đã công bố. “Đến thời điểm này, tôi chỉ có thể khẳng định các giáo viên, học sinh hãy yên tâm rằng đề tham khảo có giá trị tham khảo và định hướng ôn tập rất tốt”, ông Trinh khẳng định. |
Nguồn theo Báo Thanh Niên
Chuyên trang thông tin Tuyển Sinh Số cung cấp thông tin tuyển sinh từ Bộ GD & ĐT và các trường ĐH - CĐ trên cả nước.
Nội dung thông tin tuyển sinh của các trường được chúng tôi tập hợp từ các nguồn:
- Thông tin từ các website, tài liệu của Bộ GD&ĐT và Tổng Cục Giáo Dục Nghề Nghiệp;
- Thông tin từ website của các trường;
- Thông tin do các trường cung cấp.
Giấy phép số 698/GP - TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 25/02/2019.