Nhiều thí sinh vẫn nhầm lẫn sẽ điểm cộng trong tuyển sinh Đại học và điểm cộng khuyến khích trong xét tốt nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điểm ưu tiên trong xét tuyển ĐH.
Điểm nghề có được cộng vào điểm xét tuyển ĐH không?
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, điểm nghề chỉ được cộng vào điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT (gọi là điểm khuyến khích) và không được cộng vào điểm để xét tuyển Đại học.
Cụ thể: Học sinh THPT, học viên GDTX có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp do Sở GD&ĐT, các trường dạy nghề cấp trong thời gian học THPT thì được cộng điểm vào xét công nhận tốt nghiệp như sau:
- Loại giỏi với Giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp: 2 điểm
- Loại khá với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp: 1,5 điểm.
- Loại trung bình với Giấy chứng nhận nghề; loại trung bình với bằng trung cấp: 1,0 điểm.
Trường hợp nào được cộng điểm ưu tiên khi tuyển sinh ĐH?
Có 2 trường hơp được cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển ĐH là ưu tiên theo đối tượng và ưu tiên theo khu vực.
Cụ thể về đối tượng ưu tiên và ưu tiên theo khu vực TẠI ĐÂY
Thuộc cả đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên thì có được cộng cả hai hay chỉ cộng điểm cao nhất?
Nếu thuộc đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên bạn sẽ được cộng điểm cả 2. Ví dụ: Thí sinh NGUYỄN VĂN A thuộc đối tượng 01 và khu vực 2 thì sẽ được cộng tất cả là 2,25 điểm vào điểm xét tuyển Đại học.
Dân tộc thiểu số được cộng mấy điểm?
Theo quy định dân tộc thiểu số được hưởng ưu tiên về đối tượng trong tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên đối tượng này sẽ được hưởng mức điểm ưu tiên khác nhau tùy thuộc vào địa bàn sinh sống.
Nếu bạn là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại Khu vực 1 sẽ được hưởng điểm cộng theo đối tượng ưu tiên 01 (cộng 2 điểm). Cùng là dân tộc thiểu số nhưng lại có hộ khẩu thường trú ở khu vực còn lại thì lại thuộc đối tượng ưu tiên 06 (cộng 1 điểm).
Ví dụ: Bạn là dân tộc Hoa (dân tộc thiểu số) hộ khẩu thường trú tại TP.HCM (khu vực 3) thì điểm cộng của bạn sẽ là 1 điểm.
Phân chia khu vực tuyển sinh cụ thể như thế nào?
Bảng phân chia khu vực tuyển sinh cụ thể xem TẠI ĐÂY
Vừa thuộc nhóm ưu tiên 1 vừa thuộc nhóm ưu tiên 2 thì có được cộng cả hai không?
Người thuộc nhiều diện ưu tiên theo đối tượng sẽ được hưởng theo một diện ưu tiên cao nhất. Nếu bạn thuộc nhóm ưu tiên 1 và nhóm ưu tiên 2 thì sẽ cộng tất cả là 2 điểm vào điểm xét tuyển ĐH chứ không được cộng cả 2 nhóm ưu tiên (3 điểm).
Nơi học và hộ khẩu khác nhau vậy điểm ưu tiên khu vực sẽ được tính như thế nào?
Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp tại khu vực nào thì sẽ được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Mỗi khu vực lại có một mức điểm ưu tiên khác nhau. Về trường hợp hộ khẩu và nơi học cấp 3 khác nhau, thí sinh vẫn được xét ưu tiên khu vực như trên.
Ví dụ: thí sinh NGUYỄN VĂN A có hộ khẩu thường trú tại nội thành Hà Nội nhưng 3 năm học và tốt nghiệp THPT lại tại Yên Bái, trường hợp này NGUYỄN VĂN A sẽ được hưởng ưu tiên khu vực theo Yên Bái (khu vực 1 là 0,75 điểm).
Hồ sơ hưởng ưu tiên đối tượng gồm những gì?
- Bản photocopy Giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên;
- Đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, giấy chứng nhận để hưởng đối tượng ưu tiên 01 là Bản photocopy giấy khai sinh trên đó ghi rõ dân tộc thuộc dân tộcthiểu số và hộ khẩu thường trú hoặc giấy tờ hợp pháp minh chứng thí sinh có hộ khẩu thường trú trên 18 tháng (tính đến ngày thi đầu tiên của Kỳ thi THPT Quốc gia) tại Khu vực 1 trong thời gian học THPT.
- Đối với thí sinh thuộc đối tượng người có công với cách mạng hoặc con của người có công với cách mạng: giấy chứng nhận để hưởng ưu tiên là Bản photocopy Quyết định trợ cấp, phụ cấp đối với người có công của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Thí sinh xuất trình bản chính của các giấy tờ nói trên để các trường đối chiếu khi làm thủ tục nhập học.
Suzy